Trong bối cảnh cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq đã đi đến hồi kết, Nga tuyên bố rút quân khỏi Syria, thì giấc mơ độc lập của người Kurd lại trỗi dậy, cuộc chiến tại Yemen với thảm họa nhân đạo vẫn còn đó và mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, châm ngòi giận dữ trong cộng đồng Arab và Hồi giáo… Khiến khu vực Trung Đông lại đứng trước nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực mới.

nguoi_kurd_iraq_fcft.jpg
Các tay súng của lực lượng người Kurd ở Iraq. Ảnh: AFP.

Từ phong trào người Kurd đòi độc lập…

Sau Đại chiến Thế giới lần thứ nhất, cộng đồng người Kurd với gần 30 triệu dân sinh sống tại vùng đất Kurdistan đã bị phân chia ra ở 4 nước (Iraq, Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ). Nhiều thập kỷ trôi qua, người Kurd tại các nước nêu trên đã phát động các chiến dịch đòi quyền tự trị hoặc độc lập cho cộng đồng.

Tuy nhiên, họ đã không nhận được sự ủng hộ của chính quyền Trung ương cũng như các nước trong khu vực. Mãi đến những năm 90 của thế kỷ XX, cộng đồng người Kurd ở Iraq với 5 triệu dân mới được hưởng quy chế tự trị theo một thỏa thuận với chính phủ nước này.

Sau khi cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria giành nhiều thắng lợi và đang đi đến hồi kết, khiến người đứng đầu chính quyền tự trị người Kurd tại Iraq và Syria lại tính đến việc tổ chức trưng cầu ý dân về quyền độc lập của cộng đồng này, vì họ cho là thời cơ đã “chín muồi”.

Tuy nhiên, trong một động thái nhằm xoa dịu các nước láng giềng và ngăn chặn nguy cơ gia tăng xung đột và sụp đổ kinh tế, chính quyền người Kurd (KRG) ở Iraq ngày 25/12/2017 đã chọn cách hoãn các kế hoạch đòi độc lập của mình.

Bộ trưởng Ngoại giao KRG, ông Falah Mustafa cho biết: “Ban lãnh đạo của KRG đang xem xét và mong muốn cải thiện các mối quan hệ bị đổ vỡ trong quá khứ. Hiện nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng tôi phải ngồi lại với Iraq và các nước láng giềng để thảo luận về tương lai của chúng tôi trong khuôn khổ cùng có lợi”.

Ông Mustafa nói thêm: “Khu vực và các nước láng giềng của chúng tôi đều có trách nhiệm như nhau trong nỗ lực tạo ra một quan hệ đối tác hiệu quả. Chúng tôi đã liên tục trấn an các nước láng giềng rằng chúng tôi là đồng minh đáng tin cậy và sẵn sàng hợp tác”.

Tuy nhiên, các cường quốc khu vực như, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Iran - nơi có đông người Kurd sinh sống đều phản đối các hình thức trưng cầu ý dân của cộng đồng người Kurd. Ankara cho đây là “một sai lầm nghiêm trọng”, gây bất lợi cho Iraq, khiến nguy cơ bất ổn kéo dài cho cả khu vực, còn Iran luôn khẳng định ủng hộ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Iraq.

Đến cuộc nội chiến kéo dài ở Yemen…

Từ hơn 2 năm qua, Yemen đã rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu giữa phiến quân Huthi và quân đội chính phủ khiến cho hơn 16.000 người chết, 40.000 người bị thương và hơn 3,1 triệu người phải di tản, đói khát và bệnh tật, nhất là bệnh dịch tả. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện có khoảng nửa triệu trường hợp lây bệnh dịch tả và  nạn đói đang đe dọa trầm trọng 7 triệu dân, trong đó có hơn 2 triệu trẻ em thiếu dinh dưỡng trầm trọng.

Ngay từ năm 2016, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khi đó là ông Ban Ki-moon đã tuyên bố rằng: “Cái chết vì đói được dùng như khí giới là một tội phạm chiến tranh”. Nhưng truớc nạn đói của người dân Yemen Liên Hợp Quốc đã không có cùng lập trường đối với chiến tranh Yemen.

Hội Chữ thập đỏ quốc tế cho biết, hiện tại Yemen đã có hơn 2.200 người chết vì dịch tả và có tới một triệu người bị lây bệnh. Đây là một bệnh dịch trầm trọng nhất trên thế giới. Ngoài ra 80% dân thiếu thực phẩm, nước uống và các dịch vụ y tế tối thiểu. Việc Saudi Arabia cấm vận không cho mở hành lang nhân đạo cứu trợ người dân Yemen từ hồi tháng 11 năm ngoái đã khiến cho tình hình thêm bi đát.

Hồi tháng 6/2017, chỉ trong một tuần lễ đã có 50.000 trường hợp lây bệnh trong 22/23 tỉnh, thành tại Yemen. WHO báo động rằng vào tháng 3/2018 khi mùa mưa bắt đầu, bệnh dịch sẽ lan nhanh hơn nữa. Trong 2 triệu trường hợp bị tiêu chảy và thổ tả có hơn 250.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Có gần 600.000 trẻ em bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng đang chống chọi với cái chết.

“Quyết định lịch sử” của Tổng thống Mỹ Donald Trump…

Trong một bài diễn văn đọc tại Nhà Trắng ngày 6/12/2017, ông Trump đã tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và kế hoạch chuyển đại sứ quán đến thành phố này. Ông nói: “Tôi xác định rằng đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Các đời tổng thống trước đưa ra lời hứa trong chiến dịch tranh cử nhưng không thực hiện. Hôm nay, tôi biến điều này thành hiện thực”.

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông, cho rằng tuyên bố của ông Trump không mang nhiều ý nghĩa thực tế. Thông điệp mà Tổng thống Mỹ đưa ra dường như chỉ là một động thái thể hiện sự ủng hộ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và những cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho ông hơn là một phần trong kế hoạch chiến lược được tính toán cẩn trọng.

Tuy nhiên, ngày 18/12/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu về dự thảo Nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Bất chấp việc 14 thành viên của Hội đồng Bảo an ủng hộ, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ lời kêu gọi này.

Ngoài ra còn phải kể đến việc Mỹ đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1; phong trào biểu tình hiện đang nổ ra ở Iran được cho là có bàn tay của CIA (Mỹ); khủng hoảng ngoại giao Qatar với các nước vùng Vịnh; và “Mùa xuân Arab ngược” ở Saudi Arabia… có thể cộng hưởng sức “nóng” trong khu vực vốn đầy bất ổn này.

Và nguy cơ bùng phát bạo lực lại nảy sinh…

Làn sóng biểu tình chống Mỹ cũng đã bùng lên gần như ngay sau khi ông Trump tuyên bố coi Jerusalem là thủ đô của Israel ngày 6/12/2017. Người Palestine hô khẩu hiệu phản đối Tổng thống Mỹ Trump; Tổ chức Hồi giáo Hamas kêu gọi người Palestine tổ chức cuộc nổi dậy mới nhằm vào Israel.

Người dân thủ đô các nước Syria, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng xuống đường biểu tình hô khẩu hiệu, vẫy cờ Palestine chống lại quyết định của Mỹ. Người Hồi giáo ở Quetta (Pakistan) tuyên bố: “kiên quyết phản đối” quyết định của ông Trump. 

Ở Jakarta (Indonesia) khoảng 80.000 người tập trung về đài tưởng niệm quốc gia phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump và “Bảo vệ Palestine”… Cho đến ngày 25/12/2017 đã có 12 người Palestine thiệt mạng do đụng độ với các lực lượng Israel.

Theo giới quan sát, trong cuộc cạnh tranh lợi ích địa - chiến lược giữa các cường quốc khu vực và thế giới đã làm gia tăng tính quyết liệt giữa các thế lực lực tại Trung Đông. Theo đó, các nước Mỹ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Iraq… đều có chiến lược, sách lược riêng, khiến cho tình hình trở nên khó đoán định hơn.   

Như vậy, sau chiến thắng IS ở Syria và Iraq, dường như cơ hội hòa bình ở Trung Đông đã ở trong tầm tay. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề nảy sinh như trên, khiến Trung Đông có thể lại bị lôi cuốn vào vòng xoáy bạo lực mới. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, năm 2018 với nhiều biến số mới có thể làm cho việc vãn hồi hòa bình Trung Đông trở nên khó khăn hơn./.