Dư luận khu vực cho rằng với chính sách trung lập, ưu tiên hợp tác truyền thống và kinh tế, thương mại, Nhật Bản ngày càng có uy tín với các nước trong khu vực, cũng như có vai trò trong thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.

ngoai_truong_nhat_kono_khsz.jpg
Ngoại trưởng Nhật Kono. Ảnh: Reuters.

Đây là chuyến thăm thứ ba của Ngoại trưởng Nhật Bản kể từ khi nhậm chức tới Trung Đông và là một phần trong nỗ lực ngoại giao của nước này nhằm giúp ổn định ở khu vực.

Trước hết, chuyến thăm nhằm khẳng định vai trò của Nhật Bản trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán nước này từ Tel Aviv tới Jerusalem. Nhật Bản không ủng hộ quyết định của Tổng thống Mỹ và khẳng định ủng hộ giải pháp hai quốc gia cho tiến trình hòa bình, đồng thời kêu gọi giải pháp cuối cùng của Jerusalem được giải quyết thông qua đàm phán của các bên liên quan. Chuyến thăm được dư luận kỳ vọng bởi Nhật Bản có quan hệ chặt chẽ với Israel.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng Kono dự kiến sẽ thăm thành phố Jericho ở Bờ Tây và thông báo kế hoạch xây dựng một dự án khu công nghiệp sẽ là trung tâm phát triển "Hành lang vì Hòa bình và Thịnh vượng" nhằm thúc đẩy sự độc lập của nền kinh tế Palestine thông qua hợp tác khu vực toàn diện giữa Palestine, Jordan và Israel và sáng kiến trong lĩnh vực du lịch nhằm tăng cường khuôn khổ hợp tác giữa các quốc gia, tạo ra sự tự tin hơn giữa các dân tộc.

Ngoại trưởng Nhật Bản đã khẳng định, Trung Đông là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của nước này.

Nước này gần như đứng ở vị trí trung lập trong các vấn đề Arab Trung Đông và chỉ ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với khu vực có nguồn nguyên liệu lớn hơn là can thiệp chính trị, quân sự. Nhật Bản cũng thúc đẩy các khoản vay, viện trợ nhân đạo, đầu tư vào các dự án công nghệ cao, tăng cường đầu tư phát triển nhân lực ở khu vực.

Trong chiến lược, tầm nhìn tới năm 2030, Nhật Bản chú trọng tăng cường hợp tác với các nước Trung Đông trong nhiều lĩnh vực, trong đó cam kết hợp tác chính trị và an ninh ở Trung Đông và kêu gọi đối thoại chiến lược giữa Nhật Bản và khu vực. Nhật Bản gần như không có sự hiện diện quân sự ở các nước Arab, ngoại trừ sự tham gia của nước này trong cuộc chiến chống IS và đã rút hoàn toàn khỏi Iraq vào đầu năm 2010; gửi hai tàu khu trục năm 2009 với Somalia để thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển. Do đó, vai trò và vị thế của Nhật Bản ở khu vực ngày càng được củng cố, cũng như có tiếng nói trong thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực khi là bạn và đối tác tin cậy với hầu hết các nước ở Trung Đông./.