Các nước Trung-Đông Âu đã tăng nguồn dự trữ khí đốt ở mức cao nhất có thể nhằm đối phó với kịch bản xấu có thể xảy ra trong trường hợp Nga và Ukraine không đạt được thỏa thuận kéo dài hợp đồng cung cấp khi đốt cho châu Âu từ đầu năm tới.

van_chuyen_khi_dot_usjx.jpg
Các nước Trung Âu và Đông Âu tăng dự trữ khí đốt, lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nga. Ảnh: AP

Hợp đồng cung cấp và trung chuyển khí đốt vào châu Âu kéo dài 10 năm qua giữa hai tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine sẽ kết thúc vào cuối tháng 12/2019. Nhiều nước châu Âu lo ngại nếu không có hợp đồng mới kể từ ngày 1/1/2020, việc vận chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine vào châu Âu sẽ bị gián đoạn.

Một số cuộc đàm phán giữa hai công ty khí đốt của Nga và Ukraine đã diễn ra trong thời gian gần đây, tuy nhiên bất đồng về nợ, thuế vận chuyển và tranh cãi pháp lý đang là rào cản lớn đối với cả hai bên để có thể đi đến ký kết một hợp đồng mới.

Trong bối cảnh đó, các nước Trung-Đông Âu lâu nay vẫn nhập khẩu khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine đã tăng nguồn dự trữ nhằm đối phó với một kịch bản xấu có thể xảy ra. Theo Hiệp hội hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), các cơ sở dự trữ khí đốt tại Áo và Hungary đã tăng mức dự trữ lên tới 97% so với thiết kế, trong khi đó dự trữ khí đốt của Cộng hòa Séc và Slovakia cũng đã tăng lên mức 96% và 95%.

Số liệu thống kê tháng 11 cho thấy, Ukraine tái xuất 92% lượng khí đốt mà nước này nhập khẩu từ Nga, tương đương 239 triệu mét khối/ngày, sang các nước châu Âu, trong đó có Slovakia, Hungary, Romania và Moldova. Trong số này, Slovakia nhập khẩu tới 60% và xuất khẩu phần lớn trở lại sang Áo và một phần nhỏ sang Hungary và Cộng hòa Séc./.