Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức hôm qua (6/4) tại Hà Lan cho thấy, đa số cử tri nước này phản đối việc phê chuẩn Hiệp định liên kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine.

ha_lan_mmrj.jpg
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 6/4. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù cuộc bỏ phiếu này không mang tính ràng buộc, nhưng đây được xem là “bước lùi” đối với Chính phủ của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, cũng như  phép thử đối với chính sách của EU, đặc biệt trước thềm cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh.

Kết quả sơ bộ cho thấy, 64% người dân Hà Lan bỏ phiếu không ủng hộ Hiệp định, trong khi 36% người đồng ý. Nhiều quan chức Liên minh châu Âu hy vọng, số lượng cử tri đi bỏ phiếu quá thấp sẽ khiến cuộc trưng cầu ý dân không có ý nghĩa. Tuy nhiên theo một số nguồn tin, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt tối thiểu trên 30% - cần thiết để cuộc trưng cầu ý dân được coi là hợp lệ.

Thoả thuận giữa EU và Ukraine được cho là sẽ giúp tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa về kinh tế và chính trị song phương. Cho tới nay, Hà Lan là quốc gia duy nhất trong EU chưa phê chuẩn Hiệp định liên kết EU - Ukraine, dù trước đó đã được Quốc hội nước này thông qua.

Cuộc trưng cầu ý dân không mang tính ràng buộc đối với Chính phủ Hà Lan. Tuy nhiên, việc người dân phản đối thoả thuận cho thấy, những tác động bất lợi đối với Chính phủ, trong bối cảnh nước này đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EC).

Ngay trước khi bắt đầu cuộc trưng cầu ý dân, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã kêu gọi cử tri ủng hộ Hiệp định, cho rằng thoả thuận sẽ mang lại “sự ổn định hơn cho khu vực biên giới ngoài EU” cũng như giúp Ukraine “xây dựng một nhà nước pháp quyền và một nền dân chủ”.

Vì vậy, giới quan sát cho rằng, cuộc bỏ phiếu sẽ mang những tác động không mong muốn đối với chính phủ liên minh của Thủ tướng Rutte, đặc biệt trước thềm cuộc bầu cử quốc gia dự kiến vào tháng 3/2017.

Trong một bước đi xoa dịu lòng dân, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cùng ngày cho biết, quá trình phê chuẩn Hiệp định giữa Liên minh châu Âu và Ukraine không thể được tiến hành theo kế hoạch, bởi vì phần lớn các cử tri Hà Lan phản đối thỏa thuận này.

Ông Koenders nói: “Xem xét kết quả sơ bộ cho thấy phần lớn người dân Hà Lan phản đối Hiệp định. Đây là một thực tế chính trị quan trọng. Điều đó có nghĩa là việc phê chuẩn Hiệp định không thể diễn ra như dự kiến. Chúng ta phải thảo luận trong Nội các, với Quốc hội, với các đối tác châu Âu và Ukraine để xem xét những hậu quả của quyết định này là gì”.

Nhiều nghị sĩ Hà Lan cũng kêu gọi chính phủ thảo luận với các đối tác EU, đàm phán lại về Hiệp định với Ukraine. Trước những diễn biến bất lợi đối với thỏa thuận EU- Ukraine, Đại sứ Ukraine tại Hà Lan Oleksander Harin cho rằng, kết quả cuộc trưng cầu ý dân không đại diện cho đa số người dân Hà Lan.

“Chúng ta phải xem xét từ một khía cạnh khác. 70% người dân không tham gia bỏ phiếu. Nếu chúng ta xem xét từ khía cạnh này có thể thấy khoảng 70% người dân không hài lòng với cách thức thực hiện tổ chức chiến dịch này”, ông Harin nói.

Chuyên gia chính trị của Hà Lan Cad Mudde thì cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân không bắt buộc này cho thấy xu hướng hoài nghi châu Âu gia tăng mạnh mẽ trong cộng đồng người Hà Lan,  chứ không đơn thuần chỉ là bày tỏ sự phản đối Thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Ukraine.  

Ông Cad Mudde nhận định, không chỉ Anh mà các nước khác tại châu Âu cũng sẽ theo bước chân này tại Hà Lan. Trước đó, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã cảnh báo, kết quả cuộc trưng cầu tại Hà Lan có thể mở đường cho một cuộc khủng hoảng mới tại châu Âu./.