Đề xuất đưa ra trong bối cảnh 2 nước vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề an ninh mạng và Mỹ có thể áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nhằm cắt đứt những mối liên hệ cuối cùng của Bình Nhưỡng với hệ thống tài chính quốc tế.
Theo ông An Myong Hun, đề xuất này cũng đã được chuyển cho phía Mỹ qua “các kênh thích hợp” từ hôm 9/1 vừa qua. Phó Đại sứ Triều Tiên cho rằng, đề xuất đàm phán hạt nhân trực tiếp với Mỹ mang ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh năm nay đánh dấu 70 năm bán đảo Triều Tiên bị chia cắt. Ông gợi mở, nếu đề xuất này được thực hiện trong năm nay, thì nhiều điều sẽ trở nên khả thi.
“Để loại bỏ nguy cơ chiến tranh và giảm căng thẳng, đồng thời tạo bầu không khí hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, chúng tôi đề xuất với phía Mỹ rằng ít nhất trong năm nay họ nên tạm thời đình chỉ các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ trả lời rằng các cuộc tập trận này là một vấn đề hoàn toàn tách biệt với các vấn đề hạt nhân. Họ không muốn chấp nhập đề xuất của chúng tôi. Bằng việc từ chối đề xuất của chính phủ Triều Tiên, Mỹ một lần nữa cho thấy ý định tăng cường năng lực tấn công quân sự ở Hàn Quốc trong khi yêu cầu chúng tôi không được có khả năng phòng thủ quốc gia riêng. Điều đó là không thể chấp nhận được và không thể biện minh bằng bất cứ điều gì.” Ông An Myong Hun nói.
Cùng với đó, Mỹ vẫn tiếp tục chuẩn bị áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên vì vụ tấn công mạng của Sony Pictures sau khi hãng này sản xuất một bộ phim hài lấy bối cảnh vụ ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Phát biểu trong cuộc thảo luận về chính sách đối với Triều Tiên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm qua, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Daniel Glaser cho biết: “Mục tiêu và chiến lược của chúng ta nhiều năm nay là thực thi các lệnh trừng phạt và các biện pháp tài chính khác để cô lập Triều Tiên khỏi hệ thống tài chính quốc tế. Mục đích của chúng ta là vắt kiệt tài chính của họ đến mức tối đa. Chúng ta có thể nhắm đến bất kỳ cơ quan và quan chức nào của chính phủ Triều Tiên cũng như cá nhân và tổ chức cung cấp hỗ trợ cho họ”.
Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc An Myong Hun cho rằng, việc Mỹ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên chứng tỏ chính sách thù địch của Washington đối với Bình Nhưỡng. Ông An Myong Hun nêu rõ, Bình Nhưỡng muốn Washington cung cấp bằng chứng và thậm chí đã đề xuất tiến hành một cuộc điều tra chung về vụ tấn công mạng của Sony Pictures.
Một mặt tiếp tục chuẩn bị các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên và từ chối đình chỉ tập trận chung với Hàn Quốc, mặt khác, Mỹ đang cùng Nhật Bản và Hàn Quốc chuẩn bị để trưởng phái đoàn đàm của ba nước này có thể gặp nhau tại Tokyo sớm nhất là vào ngày 28/1 tới nhằm tìm cách khôi phục cuộc đàm phán 6 bên (gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên) về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vốn bị trì hoãn từ năm 2008.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel hôm qua cho biết, Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên nhưng “đối thoại không có nghĩa là đàm phán”.
Ông Russel nhấn mạnh quan điểm của Washington rằng, việc Triều Tiên quay trở lại bàn nghị sự là để thể hiện trách nhiệm và cam kết của chính nước này và chuẩn bị sẵn sàng cho “những bước tiến có ý nghĩa vun đắp cho các cuộc đàm phán đáng tin và xác thực”./.