Triều Tiên sáng 31/7 vừa phóng 2 tên lửa tầm ngắn ra biển phía Đông của nước này. Động thái của Bình Nhưỡng tiếp tục được dư luận quan tâm và coi đó là lời cảnh báo nhằm trực tiếp vào Hàn Quốc và Mỹ, trong bối cảnh 2 quốc gia này sắp tiến hành tập trận chung.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo. (Nguồn: Hamariweb.com News). |
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, 2 tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên vừa được phóng từ khu vực Kalma, gần cảng Wonsan. Cả hai tên lửa này ước tính bay được khoảng 250 km, ở độ cao gần 30 km.
Hiện Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc đang tiếp tục phân tích chi tiết tình hình cùng với các đối tác Mỹ. Trong khi đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng đã triệu tập phiên họp khẩn Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) nhằm thảo luận về vấn đề. Theo thông tin từ Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo, 2 tên lửa vừa được Triều Tiên phóng là loại tên lửa mới, khác so với những mẫu trước đây Triều Tiên từng thử.
Trong phản ứng trước sau đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho rằng những vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên sẽ không giúp giảm nhẹ căng thẳng quân sự, cũng như không giúp duy trì động lực cho đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, vốn đang trong quá trình được nối lại. Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên ngừng ngay lập tức những hành động như vậy.
Trong khi đó, giới chức an ninh Nhật Bản cũng đã tiến hành họp khẩn, để phân tích về vụ phóng. Tuy nhiên, sau cuộc họp, cả Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đại diện Bộ Quốc phòng nước này đều xác nhận, những tên lửa của Triều Tiên vừa phóng không đi vào vùng đặc quyền kinh tế hay lãnh hải của Nhật Bản, đồng thời khẳng định vụ phóng này không ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh của Tokyo.
Dự kiến, bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), tại Bangkok, Thái Lan, Ngoại trưởng 3 nước Mỹ - Nhật – Hàn sẽ sớm có các cuộc họp song phương và 3 bên để thảo luận về nhiều vấn đề nóng; trong đó sẽ có vấn đề Triều Tiên. Và dường như chắc chắn vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng sẽ được các Ngoại trưởng đề cập tới.
Vụ phóng tên lửa sáng 31/7 của Bình Nhưỡng diễn ra chỉ sau 6 ngày khi Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo mới, bay được khoảng 600 km, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Phía Triều Tiên cho rằng, vụ phóng đó là lời cảnh báo nhằm vào chính sách “hai mặt” của Hàn Quốc khi Seoul một mặt ủng hộ tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, một mặt đẩy mạnh mua sắm các khi tài quân sự mới và tiến hành tập trận chung với Mỹ. Do đó, giới phân tích cho rằng, vụ phóng tên lửa sáng 31/7 có thể vẫn nhằm mục đích cảnh báo này, khi các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đang tới gần hơn.
Tuy nhiên, bất chấp những phản đối và cảnh báo từ Triều Tiên, sáng 31/7, người phát ngôn của lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, Đại tá Lee Peters vẫn khẳng định, cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vào tháng 8 vẫn sẽ vẫn tiếp tục theo đúng kế hoạch.
Việc Mỹ-Hàn tập trận chung hay việc Triều Tiên đẩy mạnh việc phóng tên lửa đang làm thế giới gia tăng quan ngại về việc Mỹ - Triều Tiên khó có khả năng sẽ sớm nối lại đàm phán. Vụ phóng mới nhất diễn ra ngay sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về vấn đề.
“Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp Tổng thống Mỹ, hai bên đã nhất trí nối lại đàm phán sau vài tuần. Thời gian đang dần trôi. Có thể có một số công việc sơ bộ cần phải thực hiện. Nhưng tôi hy vọng Đại diện của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun sẽ sớm có cuộc gặp với đại diện đàm phán mới của Triều Tiên. Tuy nhiên, tôi không thể nói nó sẽ diễn ra vào khi nào”, ông Pompeo nói.
Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao vừa cho biết, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho sẽ không tới Thái Lan để tham dự ARF. Do đó, cuộc gặp rất được dư luận trông đợi giữa ông và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng vì thế mà chưa thể diễn ra./.