Ngày 3/4, các quan chức Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã ngăn không cho các công nhân Hàn Quốc vào khu công nghiệp Kaesong trên biên giới nước này. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ khởi động lại cơ sở hạt nhân Yongbyon vốn bị đóng cửa sau thỏa thuận tại đàm phán sáu bên năm 2007, cung cấp plutonium cho chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

xe-tai.jpg
Xe tải chở nguyên liệu của Hàn Quốc phải quay lại vì không được nhập cảnh vào Kaesong (Ảnh: AP)

Việc không cho phép công nhân Hàn Quốc đến làm việc tại khu công nghiệp Kaesong - biểu tượng cuối cùng của sự hợp tác giữa hai miền Nam - Bắc được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tiếp có những lời lẽ cứng rắn, trong đó có việc đe dọa sẽ tấn công Hàn Quốc và Mỹ. Cuối tháng trước, Triều Tiên cũng đã tuyên bố hủy bỏ Hiệp định đình chiến với Hàn Quốc.

Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Hyung-suk cho biết, Bình Nhưỡng đã cho phép các công nhân Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong trở về nhà. Đã có 3 công nhân Hàn Quốc rời khỏi khu công nghiệp này sáng 3/4, hàng chục người khác dự kiến sẽ tiếp tục quay trở lại Hàn Quốc trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, ông Kim Hyung-suk cho biết, khoảng 480 người Hàn Quốc có kế hoạch đến làm việc tại khu công nghiệp Kaesong đã bị từ chối cho phép nhập cảnh.

“Chính quyền Triều Tiên đã trích dẫn hoàn cảnh chính trị gần đây trên bán đảo Triều Tiên để lý giải cho quyết định ngăn không cho công nhân Hàn Quốc vào khu công nghiệp Kaesong”, ông Kim cho biết.

Đây là dấu hiệu mới nhất của cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó hôm 2/4, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ nhanh chóng bắt đầu "điều chỉnh, khởi động lại" các cơ sở tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon, bao gồm cả các lò phản ứng plutonium và một nhà máy làm giàu uranium. Cả hai có thể sản xuất nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân. 

Theo các nhà phân tích, tuyên bố khởi động lại tổ hợp hạt nhân Yongbyon là nỗ lực mới nhất của Bình Nhưỡng nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ bằng cách làm gia tăng nỗi sợ hãi về một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Các chuyên gia ước tính, để kích hoạt lại lò phản ứng hạt nhân, Triều Tiên sẽ phải mất từ 3 tháng đến một năm.

Khu công nghiệp Kaesong nhìn từ một tháp quan sát tại Paju, Hàn Quốc (Ảnh: AFP)

Các nhà máy tại khu công nghiệp Kaesong bắt đầu sản xuất hàng hóa năm 2004 và đây là một điểm hợp tác hiếm hoi trong mối quan hệ vốn không mặn mà giữa hai miền Triều Tiên.

Cả CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đều không cho phép công dân của mình đến quốc gia kia khi chưa được phép. Tuy nhiên, có một ngoại lệ được áp dụng hàng ngày đối với các công nhân Hàn Quốc làm việc tại khu công nghiệp Kaesong.

Khoảng 120 công ty Hàn Quốc đang vận hành các nhà máy ở thị trấn biên giới Kaesong, với  53.000 công nhân Triều Tiên làm việc ở đó. Năm 2012, khu công nghiệp Kaesong sản xuất ra 470 triệu USD hàng hóa.

Tuần trước, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ đóng cửa khu công nghiệp Kaesong nhằm bày tỏ thái độ sự tức giận khi các phương tiện truyền thông của Hàn Quốc cho rằng, sở dĩ Triều Tiên vẫn chưa đóng cửa khu công nghiệp này bởi nó là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Triều Tiên.

Năm 2009, Triều Tiên từng đóng cửa biên giới của mình để phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, khiến hàng trăm công nhân Hàn Quốc đã mắc kẹt tại Kaesong trong vài ngày trước khi khu công nghiệp này trở lại hoạt động bình thường.

Nếu Triều Tiên tiếp tục không cho phép công nhân Hàn Quốc vào Kaesong, các nhà máy tại đây có thể phải ngừng hoạt động vì không có nguồn cung cấp nguyên liệu thô được chuyên chở thường xuyên bằng xe tải từ Hàn Quốc đến đây./.