Ngoài những món quà thông thường như nhân sâm, cửa hàng Triều Tiên trên tuyến đường du lịch đến biên giới giữa hai miền bán đảo thường bán tem, bưu thiếp và đồ lưu niệm mang thông điệp chỉ trích Mỹ, theo Reuters.

do_luu_niem_xput.jpg
Cửa hàng bán đồ lưu niệm tại Bình Nhưỡng năm 2008. Ảnh: Reuters

"Chúng luôn được ưa chuộng, nhưng bây giờ, chúng không còn được bày bán", Simon Cockerell, giám đốc tại công ty lữ hành Koryo Tours, cho biết. Cockerell cho rằng nhân viên cửa hàng không thể tự dừng bán vật phẩm trừ khi nhận được chỉ thị.

Đây là một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi của Triều Tiên sau khi Kim Jong-un gặp Trump tại Singapore ngày 12/6. Họ đã ký tuyên bố cam kết làm việc để thiết lập mối quan hệ mới với nhau và hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Washington và Bình Nhưỡng từng là đối thủ trong Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.

"Chúng tôi đưa một đoàn từ Bình Nhưỡng đến Khu Phi quân sự (DMZ) ba ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim được tổ chức tại Singapore. Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi trong mặt hàng được bày bán tại quầy hàng lưu niệm", Rowan Beard, quản lý tour tại công ty Young Pioneer Tours cho biết.

"Họ chuyển trọng tâm từ chống Mỹ sang cải thiện nông nghiệp, thể thao và thúc đẩy nền kinh tế địa phương", Beard kể. "Không chỉ ở DMZ, tất cả áp phích chống Mỹ mà tôi thường thấy quanh quảng trường Kim Nhật Thành và các cửa hàng ở Bình Nhưỡng đều biến mất".

"Trong 5 năm làm việc ở Triều Tiên, tôi chưa bao giờ thấy chúng biến mất hoàn toàn như thế", ông nói./.