Triều Tiên sáng 24/8 đã phóng 2 vật thể chưa xác định vào vùng biển Nhật Bản, mà phía Hàn Quốc nghi ngờ là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Đây là vụ phóng thứ 7 của Triều Tiên trong chưa đầy 1 tháng qua và chỉ 1 ngày sau khi nước này cảnh báo vẫn sẽ là “mối đe dọa lớn nhất” đối với Mỹ trong một thời gian dài nếu Washington duy trì thái độ “thù địch” như hiện nay.

ten_lua_trieu_tien_tkpq.jpg
Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: KCNA.

Vụ phóng thử tên lửa mới nhất này của Triều Tiên phần nào khiến các chuyên gia bất ngờ. Bởi trước đó các dự báo đều cho rằng, nước này sẽ dừng thử nghiệm vũ khí khi cuộc tập trận kéo dài 10 ngày của Mỹ và Hàn Quốc kết thúc hồi đầu tuần này.

Theo phía Hàn Quốc, vụ phóng được tiến hành từ khu vực phía Đông Bắc tỉnh Nam Hamgyong, bay được khoảng 380 km và ở độ cao tối đa 97 km. Hội đồng An ninh quốc gia nước này đã bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về các vụ phóng và kêu gọi Triều Tiên ngừng những hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng quân sự. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cùng ngày cho biết sẽ khởi động các nỗ lực ngoại giao nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Chính phủ Nhật Bản cũng xác nhận vụ thử, song cho biết  các tên lửa của Triều Tiên không gây thiệt hại, không rơi vào lãnh thổ Nhật Bản hay vùng đặc quyền kinh tế của nước này. 

Chính quyền Tổng thống Donald Trump thì cho biết Mỹ đã nắm được thông tin về vụ phóng mới nhất của Triều Tiên và đang giám sát tình hình. Mỹ cũng đang tiến hành tham vấn chặt chẽ với Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề này.

Vụ thử được tiến hành chỉ 1 ngày sau khi Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tuyên bố, nước này sẵn sàng “đối thoại lẫn đối đầu” với Washington, đồng thời cảnh báo vẫn sẽ là “mối đe dọa lớn nhất” đối với Mỹ trong một thời gian dài nếu Washington duy trì thái độ “thù địch”. 

Những tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Triều Tiên và vụ thử tên lửa mới nhất này đã làm mờ đi triển vọng sớm nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.

Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood mới đây cho biết, nước này luôn sẵn sàng để bắt đầu lại các cuộc đàm phán: “Mỹ không kích động áp lực quân sự. Mỹ cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên theo thỏa thuận của Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên vào năm ngoái tại Singapore. Chúng tôi rất mong được quay lại thảo luận với Triều Tiên, để thực hiện tầm nhìn được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh khi đó giữa hai nhà lãnh đạo”.

Trên thực tế, những cảnh báo mới nhất của Triều Tiên liên quan tới cuộc tập trận quân sự Mỹ- Hàn chủ yếu chĩa mũi nhọn về phía Hàn Quốc. Các vũ khí mà Triều Tiên thử nghiệm thời gian qua hầu hết là các tên lửa đạn đạo hay tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn. Trong khi đó, những thành tựu vũ khí được tiết lộ cũng là những hệ thống pháo tên lửa hay hệ thống tên lửa đạn đạo đi động tầm ngắn, mà theo các chuyên gia là sẽ mở rộng khả năng tấn công các mục tiêu trên khắp Hàn Quốc.

Đại sứ Triều Tiên về giải trừ quân bị Ju Yong Chol cho biết: “Không có luật nào qui định một nước tuân thủ cam kết trong khi các bên khác lại không thực hiện. Mỹ và Hàn Quốc thường khẳng định tập trận quân sự là phòng vệ và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Vậy chúng tôi cũng phải phát triển và thử tên lửa để bảo vệ quốc phòng cần thiết cho chúng tôi”.

Chính sách ngoại giao mà Mỹ đang thực hiện nhằm buộc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân đã đi vào bế tắc sau khi Tổng thống Donald Trump bác bỏ yêu cầu của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi  lấy các bước giải trừ vũ khí hạt nhân tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 hồi tháng 2/2019. Cuộc gặp mới đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo tại biên giới liên Triều hồi cuối tháng 6 vừa qua cũng không thể tạo nên những gam màu sáng cho tiến trình đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên./.