Trong thông cáo phát đi chiều ngày 19/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết, tính từ ngày Chủ nhật 15/8, quân đội Anh đã đưa được khoảng 1.200 người khỏi Afghanistan về Anh, bao gồm cả nhân viên ngoại giao Anh lẫn các công dân Afghanistan nằm trong diện được Anh bảo trợ. Trong số này, khoảng 700 người được sơ tán chỉ trong một ngày 17/8.
Theo mục tiêu được Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace đặt ra, lực lượng đặc nhiệm Anh được cử tới Afghanistan sẽ cố gắng sơ tán khoảng 1 ngàn người mỗi ngày và tốc độ sơ tán sẽ được đẩy nhanh trong những ngày tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết, hiện tại sân bay Kabul đang được lực lượng quân đội Mỹ bảo vệ và kiểm soát hoàn toàn nên việc lực lượng quân đội Anh ở lại đến bao lâu phụ thuộc vào phía Mỹ. Do đó, Anh tính đến phương án tìm kiếm nước thứ 3 để tiến hành các chiến dịch sơ tán về lâu dài.
“Sân bay Kabul đang được phía Mỹ điều hành, với khoảng 5.000 - 6.000 người, họ làm mọi việc từ kiểm soát không lưu đến cứu hỏa. Do đó, nếu người Mỹ vẫn ở lại thì chúng tôi sẽ vẫn có cơ hội tiếp tục tiếp tục chiến dịch, nhưng chúng tôi cũng đã bắt đầu nghiên cứu khả năng tiến hành chiến dịch ở một nước thứ 3, để nếu người dân Afghanistan rời được khỏi đất nước để đến một nước trong khu vực thì chúng tôi sẽ tiến hành sơ tán từ đó” - Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói.
Trong số các nước châu Âu, Anh là nước đang hứng chịu các áp lực lớn nhất về dư luận và truyền thông do Anh là đồng minh thân cận nhất của Mỹ và là quốc gia châu Âu tham gia tích cực nhất trong các chiến dịch quân sự tại Afghanistan từ năm 2001.
Trước đó, trong phiên điều trần đặc biệt trước các nghị sĩ Anh ngày 18/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước Anh sẽ đón nhận khoảng 20.000 người tị nạn từ Afghanistan trong thời gian tới.
Sau Anh, Đức là nước châu Âu sơ tán được nhiều người nhất từ Afghanistan, với trên 1.000 người kể từ ngày 16/8, theo thông báo của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Tại Pháp, theo thông tin từ Bộ Nội vụ Pháp, hơn 500 người đã được sơ tán khỏi Afghanistan và đặt chân đến Pháp trong vòng 3 ngày qua, trong đó 2/3 là công dân Afghanistan. Italia cho biết cũng đã sơ tán được 500 người. Theo Ngoại trưởng Italia, Luigi Di Maio, Italia sẽ sơ tán tổng cộng 2.500 người khỏi Afghanistan.
Ngoài các nước lớn tại châu Âu, nhiều nước khác như Tây Ban Nha, Hà Lan, CH Czech, Đan Mạch, Ba Lan, Hungary… cũng đã tiến hành các chiến dịch sơ tán. Ủy ban châu Âu cũng đã đưa được 500 người rời khỏi Afghanistan. Tổng cộng, từ thời điểm thủ đô Kabul rơi vào tay lực lượng Taliban sáng ngày 15/8 cho đến hết ngày 19/8, khoảng hơn 5.000 người đã được sơ tán khỏi Afghanistan và đặt chân đến châu Âu. Hàng ngàn người khác hiện cũng đã được sơ tán khỏi Afghanistan nhưng đang chờ ở một nước thứ 3 trước khi được đưa về châu Âu./.