Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Nhân quyền cho biết Aleppo đang trở thành "lò sát sinh”. Các chuyên gia khuyến cáo về tình trạng trầm cảm và những ý nghĩ tự sát trong giới trẻ tại đây.

Hình ảnh cậu bé Omran ngồi trong chiếc xe cứu thương với đôi mắt thất thần, mặt mày đầy máu, quần áo tơi tả, tóc phủ đầy bụi vẫn còn sức lan toả, làm lay động triệu triệu trái tim. Bức ảnh này còn gieo nỗi sợ hãi về tội ác chiến tranh trên khắp thế giới. Bộ mặt thảng thốt của Omran đã cho thấy điều mà cuộc chiến tranh trên quê hương của cậu đã gây ra đối với chính bản thân cậu cũng như nhiều đứa trẻ và nhiều thanh thiếu niên khác ở Syria.

36111631_303_slrm.jpg

Trong những tuần gần đây, thành phố Aleppo lại chìm trong khói lửa bởi các cuộc không kích ác liệt. Một lệnh ngừng bắn đã được đưa ra vào cuối tuần qua. Trong tất cả các thành phố nằm trong cuộc nội chiến ở Syria, có thể nói Aleppo là chiến trường ác liệt nhất.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, trên 250.000 người đã bị phỏng toả ở khu vực phía Đông của thành phố. Nơi đây hứng chịu làn mưa bom, bão đạn nặng nề nhất kể từ cuộc nội chiến ở Syria nổ ra vào năm 2011. Các cuộc không kích bắt đầu vào ngày 22/9 đã khiến trên 500 người bị giết và 2.000 người bị thương. Khoảng 1/4 nạn nhân trong đó là trẻ em và con số này sẽ còn tăng đáng kể bởi theo ước tính của Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) có khoảng 100.000 trẻ em và thanh niên sinh sống ở khu vực miền Đông Aleppo.

'Điều kiện như thời kỳ đồ đá'

Trong bài phát biểu vào ngày 21/10 trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, ông Zeid Raad al Hussein, cho biết các hành động vây hãm và đánh bom vào thành phố Aleppo "cấu thành tội phạm mang tính lịch sử”. Theo lời ông al Hussein, thành phố cổ Aleppo, "nơi có vẻ đẹp và nét thanh lịch ngàn năm” nay trở thành "lò sát sinh”.

Bức ảnh về cậu bé Omran đã gây rúng động trên thế giới về sự tàn bạo của cuộc chiến tranh ở Syria.

Mặc dù Nga đã nhất trí thông qua một lệnh ngừng bắn, song những người ốm và bị thương chưa thể được di rời khỏi thành phố. Liên Hợp Quốc cho biết công tác vận chuyển những nạn nhân này không an toàn và Tổng thư ký Ban Ki- moon chỉ ra rằng: "Trong các điều kiện như thời kỳ đồ đá, những đối tượng dễ bị tổn thương chịu thiệt hại nhiều nhất”.

Trẻ em Aleppo với những ý nghĩ tự sát

Bà Katharina Ebel, cố vấn dự án Làng trẻ em SOS ở Syria các nhận điều này thực sự đúng. Bà cho biết trẻ em nơi đây đang phải chịu sự căng thẳng về tâm lý rất lớn và khuyến cáo rằng tình trạng trầm cảm nặng có thể thậm chí khiến nhiều đứa trẻ có ý nghĩ tự sát. Bà Ebel lấy ví dụ một cậu bé mới chỉ 12 tuổi đã muốn kết liễu đời mình.

Bà Ebel cho hay: "Cho đến nay, chúng tôi đã luôn có thể ngăn chặn tình trạng trẻ em tự vẫn". Song bà cũng cho biết hàng ngày có những đứa trẻ tâm sự chúng "thà chết còn hơn sống tiếp tục như thế này". Trầm cảm nặng đẩy chúng đến những hành động quá khích đối với chính mình và người khác. Bà Ebel chia sẻ: "Nhiều đứa trẻ không tài nào ngủ được hay luôn rơi vào ác mộng và do vậy ban ngày chúng hoàn toàn kiệt sức."

Trẻ em ở Aleppo mô tả những cảnh ghê rợn trong cuộc sống thường nhật của mình trên trang web #ChildrenofSyria của UNICEF. Chúng không chỉ có nguy cơ bị giết trên đường tới trường, mà các trường học cũng thường xuyên bị không kích và theo ước tính đã hứng chịu khoảng 4.000 lần không kích kể từ chiến tranh bắt đầu nơi đây. Và thậm chí ai cố gắng tìm chỗ trú ẩn cũng có thể thiệt mạng. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết các bom sát thương "bunker buster” đang được sử dụng tại Aleppo.

Một số trẻ em trải qua những điều cùng cực

Các Làng trẻ em SOS ở Syria đều có các chuyên gia tâm lý và các nhân viên xã hội, những người trò chuyện với từng đứa trẻ, cố gắng xoa dịu những sang chấn tinh thần mà chúng trải qua và giúp chúng lấy lại niềm tin. Tuy nhiên theo bà Ebel: "Đôi khi không thể đạt được điều này vì nhiều đứa trẻ đã trải qua những điều cùng cực. Thường thì khi một đứa trẻ chứng kiến cảnh cha mẹ mình chết, thấy họ bị chôn vùi trong đống đổ nát, nhìn ngôi nhà của mình bị phá huỷ, thì chúng sẽ mất đi cảm giác an toàn trong một thời gian rất dài."

Chỉ còn một vài tuần nữa là đến mùa đông tại Syria. UNICEF khuyến cáo nhiều đứa trẻ và gia đình của chúng đã hết giới hạn chịu đựng. Trẻ em đặc biệt gặp rủi ro bởi thời tiết giá lạnh và bão tuyết thường diễn ra tại đây trong một vài năm gần đây.

Tổ chức cứu trợ này cũng lo ngại về tình hình của trẻ em tại thành phố Mosul, Iraq nằm cách Aleppo 600 km về phía Đông. Theo UNICEF, chiến dịch tấn công hiện thời để chiếm lại thành phố Mosul đồng nghĩa đẩy hơn 500.000 trẻ em và gia đình của chúng sinh sống tại đây vào trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm./.