Hôm 11/9, bất chấp những cảnh báo từ phía Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản đã ký hợp đồng với chủ sở hữu tư nhân Kurihara mua lại 3 đảo thuộc quần đảo đang tranh chấp Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư.

Theo các nhà phân tích, những tranh chấp không những làm quan hệ hai nước căng thẳng mà còn ảnh hưởng đến hợp tác và phát triển kinh tế.

26 triệu USD mua 3 đảo

 

khu%20vuc%20senkaku-dieu%20ngu.jpg
Khu vực đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc (ảnh: RIA)

Trong tuyên bố hôm 11/9, phía Nhật Bản cho rằng, việc nước này bỏ ra 2,05 tỷ yên (26 triệu USD) để mua 3 đảo không có người trên Biển Hoa Đông là “nhằm mục đích hòa bình”. Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba nhắc lại quan điểm của Nhật Bản là việc mua bán này là để góp phần “duy trì hòa bình và ổn định của quần đảo”. “Hai nước cần hành động bình tĩnh và xuất phát từ góc nhìn chung”.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ra lệnh cho Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản chuẩn bị sẵn sàng trước những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Trong bài phát biểu của mình, ông Noda cho rằng, tình hình an ninh bất ổn xung quanh biên giới Nhật Bản đang gia tăng do các hoạt động quân sự của một số nước quanh khu vực:

“Hiện nay, Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự và gia tăng các hoạt động của họ tại các vùng biển xung quanh. Phía Nga cũng tăng cường các hoạt động của họ tại vùng Viễn Đông. Ngoài ra, Nhật Bản cũng phải đối phó với các mối đe dọa vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Do vậy, lực lượng phòng vệ của Nhật Bản cần nâng cao trách nhiệm hơn bao giờ hết”.

“Trung Quốc không lùi một tấc”

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, Bắc Kinh sẽ có "những biện pháp cần thiết" để tái khẳng định chủ quyền với nhóm đảo Nhật Bản đang kiểm soát trên Biển Hoa Đông, tuy không đề cập cụ thể những giải pháp mà Trung Quốc có thể thực hiện để "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ":

 “Chúng tôi hy vọng, Nhật Bản sẽ thay đổi quyết định sai lầm của mình và ngăn chặn bất cứ hành động nào làm tổn hại chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền của mình căn cứ vào sự phát triển của tình hình”.

Trước đó, ngày 10/9, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố, Bắc Kinh sẽ “không lùi một tấc nào” trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng cảnh báo việc mua bán 3 đảo trên của Nhật Bản là bất hợp pháp.

Trung Quốc cũng đã điều 2 tàu hải giám đến vùng biển quanh quần đảo này để thể hiện tuyên bố chủ quyền của mình. Theo Tân Hoa xã, các tàu hải giám này của Trung Quốc đã thảo một kế hoạch hành động nhằm “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” và sẽ có hành động để tình hình không leo thang.

40 năm bình thường hóa quan hệ- xôi hỏng bỏng không?

Năm nay đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia giàu tiềm lực ở khu vực Đông Bắc Á khi Trung Quốc và Nhật Bản kỷ niệm 40 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, những căng thẳng ngoại giao xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đang ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới này.

Các số liệu thống kê mới đây cho thấy, xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên trong 14 năm qua xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm. Xuất khẩu giảm trong khi nhập khẩu tăng khiến thâm hụt thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc tăng lên 17,62 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, so với mức thâm hụt 2,6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với nhận định của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) mới đây về dự báo xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc trong cả năm 2012 sẽ giảm, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại hợp tác thương mại - đầu tư Trung Quốc - Nhật Bản có thể tiếp tục đi xuống khi chưa giải quyết được vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Với nhiều lợi ích ràng buộc, liệu hai quốc gia có để những tranh chấp về chủ quyền biển đảo ảnh hưởng đến đại cục quan hệ hay không, là câu hỏi còn để ngỏ./.