TheoReuters, vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ trở nên đặc biệt nóng nhất là trong bối cảnh Tòa Trọng tài thường trực Quốc tế (PCI) sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.

bien_dong_umxo.jpg
Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá ở Biển Đông. Ảnh AP

Chính vì vậy, diễn đàn Shangri-La lần này được coi là “cơ hội cuối cùng” để Mỹ- đồng minh thân cận của Philippines- và Trung Quốc tranh thủ sự ủng hộ của các nước trước khi phán quyết của PCI được đưa ra.

Các chuyên gia an ninh cho rằng, Mỹ sẽ cố thuyết phục các nước ASEAN cùng một số nước khác như Ấn Độ và Nhật Bản công khai ủng hộ bất kỳ phán quyết nào có lợi cho Philippines.

Trong khi đó, Trung Quốc, nước từng lên tiếng bác bỏ thẩm quyền xét xử của PCI sẽ tìm cách ngăn chặn các nước công khai bày tỏ quan điểm của mình về phán quyết của tòa nhằm tránh phải chịu sự chỉ trích của Mỹ và phương Tây.

“Vụ kiện này về lâu dài có thể hủy hoại thanh danh của Trung Quốc và khiến nước này chịu sức ép cực lớn. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được nếu các nước khác thành lập một liên minh đủ lớn để có thể thu hút sự chú ý của công luận”, ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định.

Tại diễn đàn Shangri-La lần này, mọi sự chú ý sẽ tập trung vào việc các nước ASEAN sẽ thể hiện quan điểm như thế nào về tranh chấp Biển Đông. Cho đến nay, ASEAN vẫn chưa có được tiếng nói chung trong vấn đề này.

Ngoài ra, việc Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha có bài phát biểu khai mạc quan trọng tại diễn đàn Shangri-La lần này cũng được cho là nhằm thể hiện vai trò quan trọng của Thái Lan trong vấn đề Biển Đông.

Đối thoại Sangri-La lần này diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi mang tính chiến lược trong khu vực, bao gồm việc ông Rodrigo Duterte trúng cử Tổng thống Philippines và việc Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm buôn bán vũ khí với Việt Nam.

Bên cạnh vấn đề tranh chấp Biển Đông, các quan chức tham gia Đối thoại Sangri-La cũng sẽ tập trung bàn về căng thẳng liên quan đến Triều Tiên- nước đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1 vừa qua cùng với nhiều vụ phóng tên lửa khác khiến nước này phải chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của Mỹ và phương Tây.

Những chủ đề khác cũng được quan tâm tại Đối thoại Sangri-La lần này bao gồm mối đe dọa của các nhóm phiến quân cực đoan tại Đông Nam Á cũng như vấn đề an ninh mạng sau nhiều vụ tấn công vào các ngân hàng để lấy cắp tiền diễn ra tại Bangladesh và Ecuador.

“Chỉ khi gặp gỡ như thế này chúng ta mới có thể giải quyết những thách thức nói trên và với tư cách là nước chủ nhà, chúng tôi đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo sẽ có cơ hội để trao đổi về từng vấn đề cụ thể”, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tuyên bố trên trang Facebook của mình./.