Tuyên bố trên được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra trong Hội nghị Ngoại trưởng 28 quốc gia thành viên NATO diễn ra tại Brussels, Bỉ ngày 2/12. 

Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, những căng thẳng giữa Nga với NATO liên quan đến Ukraine sẽ còn diễn ra trong một thời gian dài, một khi tình hình Ukraine chưa có dấu hiệu cải thiện. 

nato_qqry.jpgTổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh Reuters)

Ông Stoltenberg nói: “NATO không tìm kiếm sự đối đầu với Nga và NATO cũng không muốn Chiến tranh lạnh với Nga. Tuy nhiên, những gì mà chúng ta đang chứng kiến tại châu Âu hiện nay sẽ không như xưa nữa”. 

Tại Hội nghị, Ngoại trưởng 28 quốc gia thành viên NATO cũng đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng liên quan đến cơ cấu và hoạt động của khối. 

Ngoài ra, vấn đề Ukraine, quan hệ giữa Nga với NATO cũng được xem là vấn đề nóng được các nước thành viên NATO tập trung thảo luận. Nhiều nước thành viên NATO đã thừa nhận rằng, quan hệ Nga và NATO đang tiếp tục xấu đi, theo sau những bất ổn tại Ukraine. 

Theo Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, NATO cần nối lại đối thoại với Nga nhằm ngăn chặn nguy cơ leo thang quân sự trong trường hợp tình hình tại Ukraine mất kiểm soát. 

Theo Ngoại trưởng Đức, hiện hai bên có rất ít cơ hội để thảo luận. Việc thiết lập kênh đối thoại mới với Nga sẽ giúp kiểm soát xung đột, tránh căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát. 

Ông Steinmeier nói: “Theo tôi, khi nhìn vào xung đột tại Ukraine, chúng ta buộc phải suy tính cách làm như thể nào để không đẩy quan hệ giữa Nga và NATO ngày càng lún sâu, khiến giải pháp quân sự lấn át. Các biện pháp chính trị, các chính sách ngoại giao là cần thiết. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xây dựng các kênh trao đổi thông tin độc lập để làm rõ các luồng thông tin trước khi đưa ra các quyết định”. 

Theo đề xuất của Ngoại trưởng Đức, một cơ chế đối thoại cứng giữa NATO và Nga cần được thiết lập, với sự tham gia của các chuyên gia quân sự hay các Đại sứ. 

Các bên  sẽ cùng thảo luận, trao đổi thông tin về các sự cố quân sự và những diễn biến phát sinh trong quan hệ giữa NATO và Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine. 

Trước đây, các vụ việc liên quan giữa NATO và Nga đều được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Nga-NATO. Tuy nhiên, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng Ba vừa qua, NATO đã đóng băng toàn bộ quan hệ hợp tác với Nga. Các cuộc gặp cấp đại sứ và bộ trưởng của hai bên cũng bị đình chỉ nhiều tháng nay. 

Cũng tại cuộc họp, các nước thành viên NATO đã tái khẳng định không có kế hoạch can thiệp vào tình hình Ukraine do Ukraine không phải là thành viên NATO. 

Tuy nhiên, NATO vẫn sẽ hỗ trợ Ukraine thực hiện các cải cách cũng như tăng cường hỗ trợ nhằm giúp Ukraine có thể đảm bảo an ninh của mình./.