Đây là nhận định chung của nhiều cựu Đại sứ cùng các chuyên gia phân tích Mỹ khi nhìn lại gần 100 ngày đầu tiên nắm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

donald_trump_ifjf.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Khi còn là một ứng viên Tổng thống, ông Trump đã tuyên bố Liên minh quân sự NATO là một tổ chức lỗi thời và hy vọng sẽ xây dựng một mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga. Ông cũng không tiếc lời chỉ trích Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử là một “ quốc gia thao túng tiền tệ”.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo mới đây, ông Trump đã thẳng thắn khẳng định mối quan hệ với Nga đang căng thẳng, trong khi quan hệ với Trung Quốc đang dần được cải thiện. Ông cũng ca ngợi NATO có đủ khả năng đối phó với các mối đe dọa toàn cầu.

Một số nhà chỉ trích cho rằng, chính quyền của Tổng thống Trump thiếu sự chặt chẽ trong chính sách ngoại giao. Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Phi Reuben Brigety nhận định: “Tôi nghĩ những gì chúng ta thấy hiện nay đó là chủ nghĩa cơ hội trong chính sách ngoại giao. Tổng thống đang phản ứng với các sự kiện đặc biệt với một chính sách không nhất quán.

Một trong những lý do cho thấy chiến lược của Tổng thống có sự  không nhất quán vì nó hoàn toàn khác biệt so với những gì ông tuyên bố trong chiến dịch tranh cử năm 2016”.

Cựu quan chức Quốc phòng Mỹ  Christine Wormuth- hiện là cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế- cho rằng, so với thời điểm mới nhậm chức, ông Trump đã có những cái nhìn sâu sắc hơn về nhiều vấn đề.

Chính sách ngoại giao của ông cũng ít bị ảnh hưởng bởi nhóm vận động tranh cử và có sự tham khảo quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hay Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson - những người có lập trường khá thận trọng với Nga. Sự thay đổi mới trong chính sách ngoại giao của Tổng thống cũng diễn ra khi những đấu đá nội bộ trong chính quyền Mỹ dường như có dấu hiệu lắng dịu hơn.

Tuy nhiên, lí giải cho sự thay đổi này, Đại sứ Mỹ tại Kazakhstan và Gruzia William Courtney cho rằng, đơn thuần đây chỉ là việc Tổng thống Trump nhận ra rằng Mỹ không có lợi ích kinh tế với Nga như với Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng, khi Tổng thống Trump lên nhậm chức, ông nhận ra rằng Trung Quốc có 1.000 tỷ USD trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ và khối lượng hợp tác thương mại hàng năm khổng lồ. Mỹ có nhiều lợi ích hơn khi có mối quan hệ tốt với Trung Quốc so  với Nga”, ông Courtney nói.

Dù việc ông Trump thay đổi lập trường về Nga hay NATO có thể trấn an được các đồng minh Mỹ tại châu Âu, các cuộc đối thoại hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung thời gian gần đây vẫn đang gây ra một tâm lý xáo trộn tại châu Á- nơi các đồng minh Mỹ lo ngại về một Trung Quốc đang nổi lên./.