Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (14/6) cáo buộc Iran phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu trên Vịnh Oman bất chấp sự bác bỏ mạnh mẽ của nước Cộng hòa Hồi giáo. Cuộc chiến ngôn từ giữa Mỹ và Iran đang làm gia tăng nguy cơ xung đột tại vùng Vịnh.

donald_trump_george_stephanopoulos_bugged_04_abc_jc_190613_hpmain_16x9_992_idnp.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: ABC News.

Trả lời hãng tin Fox News, Tổng thống Mỹ Trump nhận định đoạn băng ghi hình của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ đã “tố cáo” hành vi của Iran. Phân tích hình ảnh cho thấy tàu của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã tiếp cận một trong số hai tàu chở dầu sau khi chúng bị tấn công và gỡ bỏ thủy lôi chưa phát nổ khỏi thân tàu.

Theo ông Trump, Iran có thể đã tìm cách xóa chứng cứ về vụ tấn công. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng bác bỏ nguy cơ Iran đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz, đồng thời nhấn mạnh kể cả khi điều này xảy ra, nó cũng không thể kéo dài.

“Chính Iran đã thực hiện vụ tấn công. Các bạn đã nhìn thấy tàu của Iran đang tìm cách gỡ thủy lôi và điều đó đã nói lên tất cả. Tôi đoán rằng một trong số thủy lôi không phát nổ và có lẽ về cơ bản Iran đã thực hiện vụ này”, Tổng thống Trump nói.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ngay lập tức bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Trump, cho rằng Mỹ đã đưa ra cáo buộc mà không có bằng chứng rõ ràng nào. Ông đồng thời chỉ trích chính quyền Mỹ đang tìm cách phá hoại nỗ lực ngoại giao trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Iran để làm trung gian hòa giải cho căng thẳng hiện nay tại khu vực Trung Đông.

Kênh truyền hình Press TV của Iran cùng ngày khẳng định, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran là lực lượng ở gần nhất nơi xảy ra vụ việc và Iran là nước đầu tiên có mặt để giải cứu các thủy thủ đoàn.

Trước tình hình căng thẳng leo thang giữa Iran và Mỹ, Chính phủ Nga hôm 14/6 lên án mạnh mẽ các vụ tấn công và yêu cầu Mỹ không nên đưa ra những kết luận vội vàng, trong khi Trung Quốc cùng ngày kêu gọi các bên đối ngoại. Các đồng minh của Mỹ tại khu vực cũng lên án những vụ tấn công. Trong khi chính phủ Saudi Arabia bày tỏ lo ngại, thì Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cho rằng, đây là một sự leo thang nguy hiểm.

Hai tàu chở dầu, một của Na Uy và một của Nhật Bản hôm 13/6 vừa qua đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công, mà tới nay vẫn chưa xác định được thủ phạm, khi đang neo đậu gần eo biển Hormuz. Những vụ tấn công này xảy ra 1 tháng sau vụ tấn công nhằm vào 4 tàu, trong đó có 3 tàu chở dầu ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Chính phủ Mỹ khi đó cũng không ngần ngại chỉ trích Iran đứng đằng sau./.