Với chương trình nghị sự chủ yếu tập trung vào những vấn đề nóng hiện nay từ cuộc chiến tại Syria, chủ nghĩa khủng bố, xung đột Israel- Palestine tới các hợp đồng quân sự và thương mại, chuyến thăm này một lần nữa cho thấy mong muốn của Pháp củng cố và tăng cường ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế tại khu vực. 

Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Lebanon, quốc gia Trung Đông đang chìm sâu trong khủng hoảng chính trị, với khoảng trống quyền lực kéo dài từ giữa năm 2014 và cũng là quốc gia mà Tổng thống Pháp nhiều lần lên kế hoạch đến thăm nhưng sau đó đều bị bỏ lỡ, ông Hollande ngày 16/4 đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Lebanon Nabih Berry và Thủ tướng Tamman Slam cùng nhiều nhân vật tôn giáo có ảnh hưởng ở trong nước. 

lebanon_bjmz.jpg
Tổng thống Pháp Francois Hollande trong chuyến công du một loạt nước Trung Đông như Lebanon, Ai Cập và Jordan. (ảnh: AP).

Tại đây, ông Hollande đã một lần nữa khẳng định sự ủng hộ của Pháp đối với các lực lượng quân đội Lebanon, với cam kết sẽ cung cấp những hỗ trợ ngay lập tức nhằm tăng cường khả năng quân sự của nước này: “Pháp sẽ cung cấp ngay lập tức những hỗ trợ cần thiết giúp Lebanon tăng cường khả năng quân sự, không chỉ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, mà còn trong đối phó với bất kỳ mối nguy cơ nào. Và đây cũng chính là lý do tôi có mặt ở đây cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian. Trên tinh thần này, Pháp sẽ hỗ trợ Lebanon trong vấn đề người tị nạn, với việc tăng cường hỗ trợ lên 50 triệu euro trong năm nay và 100 triệu euro trong 3 năm tới”.

Sau Lebanon, chiều tối 16/4, Tổng thống Pháp Hollande sẽ lên đường tới Ai Cập, với trọng tâm thảo luận là các hợp đồng kinh tế, quân sự trị giá hàng triệu USD và cuộc xung đột tại Libya, một trong những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay của Pháp.

Đây là lần thứ hai Tổng thống Pháp Hollande thăm đất nước Kim tự tháp trong vòng chưa đầy một năm qua, sau chuyến thăm hồi đầu tháng 8 năm ngoái để tham dự lễ khánh thành kênh đào Suez mới.

Một điều không thể không nhắc tới trong chuyến thăm Trung Đông lần này của Tổng thống Pháp là thúc đẩy sáng kiến Tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế  nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine.

Trong bối cảnh mọi nỗ lực của Mỹ, vốn được biết đến là quốc gia bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Đông, tới nay đều thất bại, thì sáng kiến của Pháp đang nhận được sự hoan nghênh của các nước trong khu vực, trong đó có cả Palestine.

Chính vì thế, theo các nhà phân tích, chuyến thăm Trung Đông lần này của Tổng thống Pháp đã một lần nữa cho thấy rõ mong muốn của nước này mở rộng tầm ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở những địa bàn truyền thống như châu Phi hay châu Á, giữa lúc Pháp đang nhận được sự ủng hộ đặc biệt của các nước trong khu vực do lập trường liên quan tới các vấn đề nóng trong khu vực hiện nay./.