Cắt ngân sách, cấm người nhà

Dự luật về trong sạch hoá đời sống chính trị Pháp, với tên gọi chính thức là luật “đem lại niềm tin trong đời sống chính trị” là một dự luật gồm rất nhiều điều khoản liên quan đến các nghĩa vụ và quyền lợi đặt ra cho các nghị sĩ cũng như các thành viên trong Chính phủ Pháp.

Tuy nhiên, có hai vấn đề nổi bật được nhắc đến và cũng có thể được xem là tượng trưng cho tinh thần của dự luật.

tongthong_elnn.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang thực hiện những bước cải cách đầu tiên (Ảnh: Reuters)

Một, là việc cấm các nghị sĩ Pháp, tức các nghị sĩ Quốc hội và thượng nghị sĩ, cũng như các thành viên Chính phủ Pháp, sử dụng người thân của mình làm người giúp việc.

Cụ thể, các nghị sĩ và các thành viên chính phủ này sẽ không được sử dụng vợ chồng, bố mẹ hai bên cũng như con cái, dâu rể… làm trợ lý hay giúp việc trong các công việc của mình.

Căn nguyên thúc đẩy điều luật này sớm ra đời trong thời điểm hiện nay chính là xuất phát từ vụ scandal lớn trong đợt bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua, liên quan đến ứng cử viên cánh hữu là cựu Thủ tướng Pháp, Francois Fillon.

Ông Fillon bị phát hiện là trong nhiều năm đã gian dối, đăng ký việc làm “ảo” cho vợ con mình với tư cách trợ lý để những người này hưởng lương cao.

Đây là vụ bê bối có thể nói đã không chỉ làm xấu xí hình ảnh của chính giới Pháp mà còn là bước ngoặt quyết định, biến ông Fillon từ ứng cử viên số 1 cho ghế Tổng thống Pháp trở thành một người bị tất cả các bên tẩy chay, thậm chí ngay trong nội bộ đảng cánh hữu “Những người cộng hoà”. Kết cục là ông Fillon bị loại ngay từ vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống.

Ngay trong thời điểm đó, ông Emmanuel Macron và các đồng minh chính trị của mình, đặc biệt là thủ lĩnh đảng trung dung Francois Bayrou, đã tuyên bố rằng, một trong các ưu tiên lớn đầu tiên mà ông sẽ thực hiện nếu trúng cử, chính là đề ra một bộ luật nhằm trong sạch hoá đời sống chính trị Pháp. Và dự luật này chính là hành động cụ thể hoá lời hứa tranh cử đó.

Vấn đề thứ hai, cũng rất quan trọng trong dự luật này, đó là việc xoá bỏ các quỹ hoạt động dành cho các nghị sĩ.

Trước đây, mỗi nghị sĩ Pháp hàng năm được cấp một khoản tiền để dành cho việc tài trợ cho các dự án cộng đồng mà nghị sĩ này thấy là cần thiết, liên quan đến văn hoá, giáo dục, môi trường… Tổng số tiền hàng năm chi ra cho quỹ này vào khoảng 140 triệu euro.

Con số này tuy không phải quá nhiều nhưng lại thường xuyên gây ra tranh cãi bởi cách mà các nghị sĩ Pháp sử dụng khoản tiền thường không minh bạch.

Nhiều người bị chỉ trích là chi tiền cho các mục đích cá nhân, hoặc cho bạn bè thân hữu… khiến số tiền này bị sử dụng không hiệu quả và bị biến thành một thứ đặc quyền cho các nghị sĩ. Vì thế, tân chính phủ của Tổng thống Macron kiên quyết muốn xoá bỏ.

Ngoài hai thay đổi đáng chú ý nhất trên, dự luật vừa được Quốc hội Pháp thông qua còn có nhiều điều khoản liên quan đến việc hạn chế xung đột lợi ích của các nghị sĩ hay thành viên chính phủ, cắt giảm bớt các chi phí hoạt động không cần thiết, quy định chặt chẽ hành lang pháp lý cho các chiến dịch vận động hành lang, hay việc phải xác minh lý lịch kỹ càng các nghị sĩ và thành viên chính phủ trước khi bỏ phiếu tín nhiệm, để đảm bảo người này không được dính vào bất cứ rắc rối pháp lý nào vào thời điểm được bầu hay được bổ nhiệm.

Những bước đi đầu tiên

Những bước đi đầu tiên bao giờ cũng rất khó khăn. Dự luật vừa được thông qua tước bỏ nhiều đặc quyền của các nghị sĩ nên đương nhiên sẽ gặp phải sự phản kháng từ chính trong Quốc hội Pháp.

Các phe đối lập, dẫn đầu là nhóm Nghị sĩ của đảng cánh hữu “Những người cộng hoà” tuyên bố sẽ kiện lên Hội đồng hiến pháp một số điều khoản bị phe này cho là vi hiến của dự luật.

Nhưng, dù bị phản đối, hầu hết các ý kiến phân tích đều cho rằng, dự luật này là một cải cách táo bạo và cần thiết của chính quyền mới của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Có một thực tế ủng hộ cho các cải cách của ông Macron: trong cuộc thăm dò dư luận do Viện ý kiến công luận Pháp – IFOP tổ chức hồi tháng 6, dân chúng Pháp mất lòng tin trầm trọng vào chính giới Pháp, tức là các đảng chính trị và các chính trị gia.

Gần 90% dân Pháp cho rằng các chính trị gia Pháp là những người tham nhũng và khoảng 60% có các đánh giá tiêu cực về các đảng phái chính trị tại Pháp.

Tất cả những điều này cho thấy, nhiều năm qua mối liên hệ giữa công chúng Pháp với chính giới ngày càng xấu đi và những người cầm quyền ở Pháp buộc phải thay đổi. Vụ scandal liên quan đến ông Francois Fillon được xem như giọt nước tràn ly khiến yêu cầu phải ra đời một bộ luật nhằm trong sạch hoá đời sống chính trị Pháp trở nên cấp thiết.

Tất nhiên, một bộ luật không thể ngay lập tức làm thay đổi toàn bộ tình hình nhưng đây là bước đi đầu tiên cần thiết.

Đây cũng là sự tiếp bước bời vài năm qua,  các đời chính phủ ở Pháp đã tương đối kiên quyết trong việc loại bớt các đặc quyền, đặc lợi của giới chính trị gia.

Dưới thời cựu Tổng thống Francois Hollande thì Pháp đã ra quy định cấm các nghị sĩ được kiêm nhiệm nhiều chức vụ, tức đã là nghị sĩ thì không được phép giữ các chức danh khác trong chính phủ cũng như ở các cấp chính quyền địa phương.

Bão tố phía trước

Việc uy tín của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron liên tiếp sụt giảm trong thời gian qua, một phần lớn đến từ chính các nỗ lực cải cách mà ông Macron đang thực hiện. Cải cách tức là phải thay đổi và đã thay đổi thì luôn có những người bị ảnh hưởng về quyền lợi.

Các quyết định về cắt giảm ngân sách, cắt trợ cấp nhà hay tăng mức đóng góp cho an sinh xã hội… mà chính quyền của ông Macron đưa ra trong vài tuần qua ảnh hưởng đến giới quân đội, đến các chính quyền địa phương, đến giới công chức, đến những người về hưu… nên ông Macron bị phản đối và qua đó thì uy tín sụt giảm.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận khách quan rằng, từ khi lên nắm quyền, ông Macron tương đối coi trọng việc thực hiện các lời hứa khi tranh cử, cụ thể là việc tiến hành cải cách. Chính quyền của ông Macron đã gần như ngay lập tức bắt tay vào việc đưa ra các dự luật cải cách về luật lao động và mới nhất, là dự luật về việc trong sạch hoá đời sống chính trị Pháp. Đụng độ với các lực cản, khi đó, là điều đương nhiên.

Nhưng, đây chưa phải là giai đoạn khó khăn nhất đối với chính quyền của ông Macron. Những tháng ngày bão tố nhất được dự đoán sẽ đến từ tháng 9 này, khi Quốc hội cũng như người dân Pháp quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Hè.

Khi đó, chính quyền của ông Macron sẽ phải bảo vệ các cải cách liên quan đến Luật lao động và đặc biệt là kế hoạch ngân sách năm 2018.

Tất cả các phe phái đối lập và các lực lượng công đoàn, vốn có quyền lực rất lớn trong xã hội Pháp, đều đang lên kế hoạch tiến hành các chiến dịch phản đối quy mô lớn, cả trong nghị trường lẫn trên các đường phố.

Đó sẽ là các thách thức lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Macron và cũng sẽ là thời điểm để thấy rõ, liệu quyết tâm thực hiện những cải cách quyết liệt của ông Macron sẽ dừng lại ở giới hạn nào./.