“Thận trọng đến từng từ một”. Đó là nhận xét của đa số giới quan sát chính trị tại Pháp về cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu vào chiều 16/7 tại Paris.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa người đứng đầu hai nước Pháp và Israel nhưng cũng là cuộc gặp chứa đựng đầy những chủ đề phức tạp trong quan hệ giữa hai nước cũng như trong cục diện chính trị quốc tế.

b10_ajsl.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: Reuters).

Vấn đề đầu tiên và cũng quan trọng nhất mà hai bên đề cập là cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine. Khác với các phát biểu trước đây khi đang tranh cử và khi mới lên nhậm chức Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron đã dùng một ngôn từ rất ngoại giao để nói về cuộc xung đột này khi kêu gọi hai bên Israel và Palestine nối lại các cuộc đàm phán, và tuyên bố nước Pháp sẽ thực hiện tất cả các nỗ lực ngoại giao cần thiết để hai phía Israel và Palestine hướng tới một giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại hoà bình.

Điểm đáng chú ý là ông Macron cũng đã không đề cập chút nào đến quan điểm trước đây của nước Pháp dưới thời cựu Tổng thống Francois Hollande là muốn quốc tế hoá cuộc tranh chấp Israel-Palestine. Thay vào đó, tân Tổng thống Pháp chỉ kêu gọi Israel tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt trong vấn đề xây dựng các khu định cư Do Thái trong các vùng đất chiếm đóng.

Trong một chủ đề quan trọng khác là vấn đề hạt nhân Iran, phía Pháp cũng xoa dịu các quan ngại của phía Israel khi tuyên bố Pháp rất “thận trọng” trong việc theo dõi Iran thực thi thoả thuận hạt nhân đạt được năm 2016 và khẳng định nước Pháp “chia sẻ mối lo lắng với Israel về vấn đề quân bị của lực lượng Herzbollah”.

Nhìn chung, giới quan sát đánh giá, về tổng thể, ông Emmanuel Macron đã có một cách tiếp cận tương đối thận trọng và tránh xung đột tối đa với phía Israel trong cuộc gặp đầu tiên trên cương vị Tổng thống Pháp với Thủ tướng Israel Netanyahu. Điều này được giải thích trước hết là bởi tiến trình hoà bình Trung Đông giữa Israel và Palestine là một khúc mắc lịch sử quá phức tạp đã kéo dài nhiều thập kỷ nên ông Macron không muốn có bất cứ động thái sai lầm nào.

Nguyên nhân tiếp theo, đó là vì ông Macron vẫn đang trong quá trình xây dựng hình ảnh cũng như xây dựng các mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo thế giới. Việc ông Macron mời ông Netanyahu đến Pháp trong dịp này thể hiện rõ chiến lược xuyên suốt từ khi ông lên làm Tổng thống Pháp, đó là sử dụng các sự kiện lịch sử giữa Pháp với các quốc gia để làm bệ phóng cho chính sách đối ngoại hiện tại.

Ông Macron đã mời Tổng thống Nga, Vladimir Putin đến Versailles kỷ niệm 300 năm chuyến thăm Pháp của Sa hoàng Pierre Đại đế, mời Tổng thống Mỹ Donald Trump dự lễ duyệt binh quốc khánh 14-7 để kỷ niệm 100 năm ngày Mỹ tham chiến ở Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Và chuyến thăm đến Pháp của ông Netanyahu cũng được thực hiện trong bối cảnh lịch sử là để kỷ niệm 75 năm sự kiện Vel d’Hiv, tức là sự kiện đau buồn vào tháng 7 năm 1942 khi nhà chức trách Pháp lùng bắt người Do Thái sinh sống tại Pháp để giao nộp cho phát-xít Đức.

Chính vì lí do đó, cộng thêm không khí lịch sử của sự kiện được kỷ niệm, ông Macron và phía Pháp đã thể hiện một cách tiếp cận rất mềm mỏng với Thủ tướng Israel, Netanyahu.

Về phía Israel, chuyến thăm đến Pháp của ông Netanyhu trước hết là để thăm dò chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Pháp. Dưới thời Tổng thống Pháp Francois Hollande, Pháp và Israel tồn tại khá nhiều mâu thuẫn trong các vấn đề nóng tại Trung Đông nên với chính quyền mới của ông Macron, điều Israel cần nhất là một sự đảm bảo rằng Pháp sẽ không có các quan điểm cứng rắn  chống lại Israel. Ở khía cạnh này, phía Israel được xem như là đã đạt được mục tiêu sau cuộc gặp tại Paris./.