Tối 22/2, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lần thứ 2 lên truyền hình kể từ khi chính thức tuyên bố tái tranh cử, và lời hứa hẹn mới ông đưa ra khá hấp dẫn là sẽ tăng lương cho đối tượng lao động có thu nhập khiêm tốn, xem xét lại trợ cấp xã hội cho người thất nghiệp…

Liên tục trong những ngày qua, các ứng cử viên tổng thống Pháp liên tục “gây sốc” dư luận và vấn đề là cử tri không biết thực hư thế nào và phải tin tưởng và bỏ phiếu cho ai.      

Sarko--France-22.jpg
Tiếp sau TF1, giờ đến lượt France 2 cũng vào giờ vàng thời sự 20h, ông Sarkozy đưa ra những tuyên bố đầy hấp dẫn về những gì ông định làm nếu được cử tri tin tưởng bầu chọn một lần nữa.

Trước đó, tổng thống đương nhiệm của Pháp cho biết dự định mở lớp đào tạo lại nghề cho những người thất nghiệp để họ có cơ hội tìm việc làm mới và sẽ tổ chức trưng cầu ý dân để người dân Pháp tự quyết vấn đề đó.

Lần này, ông Sarkozy tuyên bố sẽ chỉnh sửa một loạt các vấn đề đang gây bức xúc công luận như lương thấp cho đại bộ phận công chức, lao động; trong khi tiền thưởng cao chất ngất cho các lãnh đạo cấp cao.

Động chạm đến vấn đề đang gây nhiều bức xúc trong xã hội Pháp là vấn đề trợ cấp cho đối tượng thất nghiệp cao, ông Sarkozy đề xuất chương trình lao động công ích 7 giờ mỗi tuần cho những người được hưởng trợ cấp xã hội mà không có hoạt động nào. Nhà lãnh đạo Pháp cũng coi đây là điều kiện xét cấp gia hạn trợ cấp hàng năm cho các đối tượng đó.

Ông Sarkozy cũng hứa hẹn cải cách hệ thống giáo dục cấp 3 để việc đào tạo gần với nhu cầu của các doanh nghiệp hơn và ông dự đoán đầy lạc quan rằng việc cải cách này sẽ giúp tạo thêm 250.000 việc làm mới cho thanh niên Pháp.

Đương nhiên, trong các chiến dịch vận động sát cuộc chạy đua, các ứng cử viên phải đưa ra những kế hoạch, dự định và hứa hẹn hấp dẫn nhất đối với cử tri, đánh vào những vấn đề mà người dân đang quan tâm nhiều nhất.

Hiện giờ với nước Pháp đó là vấn đề tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp, việc làm, căng thẳng giữa người Pháp với người nhập cư, với những cộng đồng tôn giáo khác biệt với xã hội phương tây. Nhưng vấn đề là nhiều khi những tuyên bố và kế hoạch đó không dựa trên thực tế và tính khả thi, hay thậm chí cả tính xác thực không được kiểm chứng.

Thế mới có chuyện vài ngày trước, ứng cử viên đảng Mặt trận dân tộc cực hữu Marine Le Pen đưa ra tuyên bố gây sửng sốt nước Pháp là “toàn bộ thịt được phân phối ở vùng Ile-de-France đều là thịt halal - tức là theo cách giết mổ riêng của người theo đạo Hồi”.

Chưa hiểu ý đồ của nữ lãnh đạo đảng cực hữu là gì, là để chỉ trích chính phủ đương nhiệm do Đảng Liên minh Vì phong trào nhân dân (UMP) bất cẩn và lơ là trong kiểm soát thực phẩm hay có ý khinh miệt đối với người theo đạo Hồi nói riêng, người nhập cư nói chung hay đơn giản chỉ là gây scandal để ghi điểm? Nhưng chưa cần kiểm chứng, tuyên bố đó ngay lập tức đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ ở Pháp.

Chủ Nhật vừa qua, Tổng thống Sarkozy đã phải lặn lội có mặt từ sáng sớm ở chợ đầu mối Rungis - nơi cung cấp thịt chủ yếu cho vùng Ile-de-France, để có thể đưa ra lời khẳng định thuyết phục cho người dân rằng, tuyên bố của bà Marine Le Pen không có cơ sở và chỉ có 2,5% số thịt do chợ này cung cấp vào Paris và các vùng ngoại ô là được xử lý theo cách Halal của người Hồi giáo. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp cũng phải lên tiếng rằng tuyên bố của bà Marine Le Pen là sai.

Dù sau đó đích thân bà Le Pen đã lên tiếng đính chính, không ít những người làm chủ hay làm việc trong các lò giết mổ đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Đã có ý kiến nhắc đến vấn đề “đạo đức tranh cử”, có nghĩa là các ứng cử viên dù sốt sắng muốn giành chiến thắng đến đâu cũng phải tuân thủ một số nguyên tắc trong việc phát ngôn. Từ năm 2007, một cuộc tranh cử lớn đã nổ ra ở Pháp đề cử ứng cử viên tổng thống của các đảng phái. Một số điều kiện tưởng là phụ nhưng lại rất quan trọng như phải có đủ 500 chữ ký ủng hộ, cộng thêm đòi hỏi tài chính khiến chỉ có một số rất ít đảng viên so với thành phần đại đa số cử tri, mới có đủ điều kiện tài chính, sự ủng hộ của giới lãnh đạo và hệ thống truyền thông, mạng xã hội … để đưa ra một ứng cử viên tổng thống của đảng mình. Điều đó có nghĩa là sự lựa chọn của cử tri Pháp bị hạn chế.

Không thấy gương mặt nào nổi trội khi mà cuộc bầu cử tiến đến mỗi ngày một gần, ngày càng nhiều cử tri Pháp chán nản, cho rằng bầu hay không bầu cũng không thay đổi được gì.

Bằng chứng là cuộc bầu cử địa phương năm 2010, có tới gần 49% cử tri không đi bầu. Có lẽ họ chờ đợi một nhà lãnh đạo có uy tín và cẩn trọng với những lời hứa hẹn và dự định của mình, không muốn bị lôi cuốn bởi những ý tưởng có phần phi thực tế và viển vông, hay những tuyên bố đơn giản chỉ để gây sự chú ý./.