Tổng thống Barack Obama đã chiến thắng áp đảo trước ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney với tỷ lệ 303-206 phiếu đại cử tri để tiếp tục dẫn dắt cường quốc số 1 thế giới thêm môt nhiệm kỳ nữa.

4 năm trước, ông Obama mở cánh cửa Nhà Trắng bằng những cam kết đoàn kết nước Mỹ và tạo ra sự thay đổi, thắp lên niềm hy vọng mới cho những cử tri đã mệt mỏi với những cuộc chiến tranh liên miên hao người tốn của, và đang bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930. Năm nay, ông Obama chiến thắng bằng hình ảnh của một Tổng thống luôn chiến đấu vì lợi ích của giai cấp trung lưu.

anh-bai-anh-quynh.jpg
Sau niềm vui chiến thắng, liên danh Obama - Biden còn rất nhiều việc phải làm ( Ảnh: Văn phòng báo chí Nhà Trắng).

Ngay trước ngày bầu cử và thậm chí khi quá trình kiểm phiếu chính thức bắt đầu vào 7h tối 6/11, giới phân tích vẫn rất thận trọng khi đưa ra những dự báo về người thắng cuộc. Nhưng chỉ chưa đầy 4 giờ sau, những người ủng hộ Tổng thống Obama đã có thể bật champagne ăn mừng khi tin tức tốt lành đến từ Ohio, bang được xem là “chiến trường của những chiến trường” trong cuộc bầu cử năm nay.

Tổng thống Obama giành chiến thắng mang tính quyết định tại 7/9 bang chiến trường, trong đó có Virginia và Ohio, 2/3 bang mà không ứng cử viên tổng thống nào chiến thắng mà không giành thắng lợi tại đây. Bang còn lại là Florida, nơi cử tri dành số phiếu ngang nhau cho 2 ứng cử viên. 

Trong bài diễn văn mừng chiến thắng, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Bất chấp tất cả sự khác biệt, phần lớn chúng ta chia đều sẻ những niềm hy vọng về tương lai của nước Mỹ. Chúng ta mong muốn con cái lớn lên trong một đất nước với những trường học và đội ngũ giáo viên tốt nhất; trong một đất nước dẫn đầu thế giới về công nghệ và sáng tạo. Trong những tuần và tháng tới tôi sẽ nỗ lực để vượt qua những khác biệt, hợp tác với lãnh đạo của hai đảng để giải quyết những thách thức mà chúng ta chỉ có thể đối phó khi phối hợp cùng nhau như giảm thâm hụt ngân sách, cải cách luật thuế. Chúng ta có rất nhiều việc phải làm”.

Chiến dịch tranh cử 2012 của Tổng thống Barack Obama được xây dựng tập trung vào lợi ích của tầng lớp trung lưu và phụ nữ, cũng như chĩa mũi dùi vào quan điểm ủng hộ người giàu của ứng cử viên phe Cộng hòa. Đương kim Tổng thống đã thành công. So với 4 năm trước, ông Obama vẫn duy trì được ưu thế trong các nhóm cử tri nữ, cử tri trẻ và cử tri gốc Phi và Latin.

Bài phát biểu của ông Obama tại Chicago sau khi giành chiến thắng (Nguồn: WSJ)

Theo kết quả khảo sát tại các địa điểm bỏ phiếu, Tổng thống Obama nhận được sự ủng hộ của 93% cử tri gốc Phi, 69% cử tri gốc Latin và 74% cử tri gốc Á. Số cử tri nữ và cử tri trẻ ủng hộ đương kim tổng thống có giảm chút ít nhưng vẫn giúp ông đảm bảo một khoảng cách hai con số trước ứng cử viên Romney. Chính sự hậu thuẫn của những nhóm cử tri gốc Phi và Latin vốn chiếm số lượng lớn tại các bang chiến trường là nhân tố chủ yếu mang lại thắng lợi cho Tổng thống Obama tại các “cứ điểm” trọng yếu này.

Một yếu tố nữa không kém phần quan trọng đối với nỗ lực tái đắc cử của Tổng thống Obama là những diễn biến khả quan của kinh tế Mỹ trong những tháng sát ngày bầu cử: chỉ số lòng tin người tiêu dùng tăng cao nhất trong 4 năm, ngành công nghiệp chế tạo tiếp tục tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 7.9%. Với hơn 60% cử tri khẳng định kinh tế đang là vấn đề số 1 hiện nay thì những tín hiệu tích cực trên không thể không tác động tới lá phiếu của họ. Ngoài ra, hơn 40% trong số cửa tri này cho biết thu nhập của họ đã được cải thiện trong năm qua.  

Con đường trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Obama cũng có phần đóng góp không nhỏ của 3 quyết định mà ông đưa ra trong vai trò của một “Tổng tư lệnh”. Thứ nhất là quyết định chi 82 tỷ USD để giải cứu ngành công nghiệp ô tô Mỹ vào năm 2009. Tại bang chiến trường Ohio, nơi 1 trong 8 việc làm liên quan tới ngành chế tạo ô tô, 59% cử tri địa phương ủng hộ gói cứu trợ của chính phủ, mang lại cho Tổng thống Obama số phiếu đáng kể của người lao động da trắng tại đây.

Thứ 2 là quyết định cho phép một số đối tượng nhập cư trái phép nhưng sang Mỹ từ khi còn nhỏ được tạm thời cư trú và làm việc một cách hợp pháp. Với chính sách này, chỉ riêng tại Florida, Tổng thống Obama đã nhận được sự ủng hộ của 60% cử tri gốc Latin.

Thứ 3, khả năng điều phối các hoạt động ứng phó với Sandy, siêu bão đã cướp đi hơn 100 sinh mạng và gây thiệt hại hàng chục tỷ USD tại Mỹ. Cách thức điều hành của Tổng thống Obama được đánh giá rất cao, không chỉ trong cử tri Mỹ mà từ cả những nhân vật “tai to mặt lớn” của đảng Cộng hòa như Thống đốc bang New Jersey, Chris Christie hay những chính khách trung lập có tầm ảnh hưởng lớn như Thị trưởng New York, Michael Bloomberg.

Kết quả thăm dò tại các địa điểm bỏ phiếu tối 7/11 cho thấy, 42% cử tri nói rằng cơn bão có tác động dáng kể đối với lá phiếu của họ. Giáo sư khoa học chính trị Allan Lichtman, thuộc trường Đại học American University (Washington DC) phân tích: “Các chiến dịch vận động không phải là yếu tố quyết định các cuộc bầu cử, mà chính là cách điều hành. Trong cuộc bầu cử năm nay, ngoài yếu tố kinh tế thì một loạt những nhân tố quan trọng liên quan đến phương thức điều hành của chính phủ đã đóng vai trò mấu chốt đối với kết quả cuối cùng”.     

Ở bên kia chiến tuyến, ứng cử viên Romney xây dựng chiến dịch tranh cử xoay quanh vấn đề kinh tế mà phe Cộng hòa cho là thất bại của Tổng thống Obama, và quảng bá hình ảnh của ông này như một tác nhân duy nhất có thể thay đổi tình thế nhờ bề dày kinh nghiệm trong kinh doanh. Nhưng thế là chưa đủ. Việc thiếu những “quân bài tẩy” khác đã khiến ông Romney không biết phải xoay xở ra sao khi chỉ vài tuần trước ngày bầu cử, kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục với tỷ lệ thất nghiệp lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 8% kể từ khi ông Obama nắm quyền. Những thay đổi liên tục trong quan điểm của ông Romney trong một loạt các vấn đề đối nội, đối ngoại cũng khiến cử tri mất lòng tin vào ứng cử viên đảng Cộng hòa. Dù 52% cử tri cho rằng kinh tế Mỹ đang đi chệch hướng nhưng phần lớn trong số họ tin vào cách điều hành kinh tế của Tổng thống Obama hơn ông Romney.

Cựu Thống đốc bang Massachussetts cũng tự tạo ra khoảng cách, tự làm xấu đi hình ảnh vốn bị coi là khó gần, lạnh lùng, vô cảm và chỉ quan tâm đến tầng lớp giàu có của ông này khi gọi 47% người Mỹ là vô trách nhiệm và “ăn bám” chính phủ. Những quan điểm được cho là thủ cựu, lỗi thời của phe Cộng hòa cũng khiến ông Romney mất đi cảm tình của cử tri Mỹ.

Một trong những cuộc bầu cử tốn kém và kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ đã khép lại. Sau chiến thắng, Tổng thống Obama sẽ không có nhiều thời gian để ăn mừng khi vô vàn thách thức còn đang ở phía trước. Ông sẽ phải thương lượng với phe Cộng hòa để giải quyết nguy cơ khủng hoảng đang hiển hiện khi chính sách cắt giảm thuế từ thời Tổng thống Bush kết thúc và cơ chế cắt giảm ngân sách tự động bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm tới. Kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu hồi phục nhưng tốc độ tăng trưởng rất chậm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao ngất ngưởng.

Về đối ngoại, ông sẽ phải tìm cách tháo ngòi nổ chương trình hạt nhân của Iran, dung hòa giữa lợi ích của Mỹ và thế giới Arab, giảm nhiệt cuộc khủng hoảng tại Syria…Những thách thức trên còn trở nên khó khăn gấp bội trong bối cảnh Quốc hội Mỹ tiếp tục bị chia rẽ khi kết quả bầu cử ngày 7/11 cho thấy đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục nắm Hạ viên và đảng Dân chủ kiểm soát thượng viện.

Trong bài phát biểu đêm 7/11, Chủ tịch Hạ viện John Boehner khẳng định phe Cộng hòa sẽ không nhượng bộ và sẽ tiếp tục đối đầu với chính phủ trong các vấn đề như chi tiêu, tăng thuế và vay nợ./.