Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh là tìm ra sự cân bằng lợi ích giữa Azerbaijan và Armenia.
Nhà lãnh đạo Nga nhắc nhớ rằng, xung đột bắt đầu từ các cuộc đụng độ sắc tộc. Ông lưu ý: "Giới lãnh đạo Liên Xô khi đó đã không thực hiện bất kỳ biện pháp hữu hiệu nào để đảm bảo an toàn cho người dân. Người Armenia đã cầm vũ khí và tự làm điều đó". Điều này dẫn đến việc bản thân Nagorno-Karabakh và 7 vùng khác của Azerbaijan nằm dưới sự kiểm soát của Armenia.
Ông nói thêm rằng, hiện nay Azerbaijan kiên quyết đòi quyền trả lại 7 khu vực không liên quan đến xung đột sắc tộc và tiếp tục giải quyết quyền sở hữu của Nagorno-Karabakh. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý: “Mỗi bên đều có sự thật của mình, không có giải pháp đơn giản nào ở đây, vì nút thắt đã bị buộc rất phức tạp”.
"Ban đầu chúng tôi đã xuất phát từ thực tế, quan điểm của chúng tôi hoàn toàn công khai, cần nói về khả năng chuyển giao 5 cộng hai vùng cho Azerbaijan với việc đảm bảo một chế độ xác định cho vùng Karabakh, tương tác với Armenia", Tổng thống V.Putin nhấn mạnh.
Theo nhà lãnh đạo Nga, xung đột phải được giải quyết theo cách mà người dân cảm thấy an toàn, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện cho sự phát triển hiệu quả của các vùng lãnh thổ. Tổng thống Putin nói thêm rằng, xung đột kéo dài vài thập kỷ không tạo cơ hội cho sự phát triển hiệu quả của cả hai bên. Đồng thời, ở giai đoạn đầu, cần phải chấm dứt các hành động thù địch và giết người; Ngồi xuống bàn đàm phán và trên cơ sở đề xuất của Nhóm OSCE Minsk, tìm ra sự đồng thuận và cân bằng lợi ích.
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Maria Zakharova tuyên bố, Matxcơva quan ngại sâu sắc về tình hình ở khu vực xung đột Nagorno-Karabakh, nơi đối đầu quân sự vẫn tiếp diễn, có sự tham gia ngày càng quy mô lớn của lính đánh thuê nước ngoài từ Trung Đông vào các cuộc đụng độ.
Các cuộc giao tranh ở Nagorno-Karabakh vẫn tiếp diễn kể từ ngày 27 tháng 9, bất chấp một số nỗ lực đàm phán về một "thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo", được thực hiện với sự trung gian của Nga và Mỹ./.