Hiện cộng đồng quốc tế đang rất quan tâm liệu những nỗ lực của Mỹ trong việc hóa giải mâu thuẫn giữa hai quốc gia đối địch vùng Caucasus lần này có thực sự đem lại kết quả thành công như mong đợi, hay lại có chung kết cục bi thảm như hai thỏa thuận ngừng bắn trước đó do Nga và Pháp đứng ra làm trung gian, bị vi phạm chỉ sau vài giờ có hiệu lực.
Kể từ 8h sáng nay (26/10), lệnh ngừng bắn nhân đạo trong cuộc giao tranh giữa 2 quốc gia Trung Á liên quan đến khu vực ly khai Nagorno-Karabakh bắt đầu có hiệu lực.
Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất này đạt được sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cuối tuần qua có các cuộc gặp riêng rẽ với hai người đồng cấp của Armenia và Azerbaijan tại Washington nhằm thúc đẩy hòa bình và sau cuộc họp của các đồng chủ tịch Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Thời điểm này, nỗ lực thúc đẩy một lệnh ngừng bắn cho vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh vẫn là điều đang rất được các lãnh đạo thế giới chú trọng, giữa lúc xung đột tại đây đã cướp đi sinh mạng của vài nghìn người kể từ khi giao tranh bùng phát hôm 27/9 vừa qua, như ước tính của Tổng thống Nga Putin.
“Có thiệt hại đáng kể về người về cả hai bên xung đột, mỗi phía ghi nhận tới hơn 2.000 người thương vong. Theo dữ liệu mà chúng tôi thu thập được, thì tổng số thương vong trong xung đột đã tới 5.000 người”, ông Putin nói.
Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn nhân đạo thứ 3 này vẫn được đánh giá chỉ là tạm thời khi các bên tham chiến chưa thể thương lượng được một thỏa thuận đình chiến lâu dài. Dù đồng ý ngừng bắn tới 3 lần, song các bên xung đột vẫn thể hiện lập trường khá cứng rắn.
Armenia mới đây thậm chí lên tiếng bác bỏ bất kỳ “giải pháp ngoại giao” nào. Trong khi Azerbaijan thì ra điều kiện ngừng bắn. Ngày hôm qua, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố sẵn sàng đạt thỏa thuận đình chiến tại chảo lửa chiến sự Nagorno-Karabakh song phía Armenia phải tuyên bố tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của giải quyết xung đột trong kế hoạch hòa bình mà Mỹ, Nga, Pháp đưa ra. Chưa kể, xung đột tại vùng lãnh thổ ly khai này đang có xu hướng bị “quốc tế hóa” ngày càng rõ rệt với sự can dự của các bên thứ 3, cùng sự hiện diện của những kẻ khủng bố nước ngoài càng khiến cho tình hình trở nên phức tạp.
Từ những diễn biến trên thực địa, giới quan sát cho rằng, khả năng để tạo nên đột phá hóa giải bất đồng giữa hai bên thời điểm này vẫn là rất thấp. Trở ngại lớn nhất hiện nay trong các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột tại Nagorno-Karabakh vẫn liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ - nguồn cơn gây bất hòa bấy lâu nay giữa Azerbaijan và Armenia.
Các chuyên gia và nhà ngoại giao cũng lo ngại rằng, cuộc xung đột kéo dài có nguy cơ tạo ra một thảm họa nhân đạo, đặc biệt xung đột này kéo theo sự can dự ngày càng sâu của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và mới nhất là sự vào cuộc của Mỹ.
Bên cạnh việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn kiềm chế giao tranh, các nỗ lực ngoại giao hòa giải giữa các bên xung đột vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh. Trong tuyên bố mới nhất, Nhóm Minsk - được thành lập để đứng ra làm trung gian giải quyết xung đột do Pháp, Nga, Mỹ dẫn đầu - cho hay, các đồng chủ tịch và ngoại trưởng của nhóm này sẽ gặp nhau một lần nữa trong ngày 29/10 tới, trao đổi về nỗ lực đạt được thỏa thuận, thực thi thỏa thuận ngừng bắn, mà xa hơn là những bước đi cần thiết hướng tới xây dựng giải pháp hòa bình cho cuộc đối đầu hiện nay giữa Azerbaijan và Armenia./.