Đại sứ Đức Wittig cho biết, tại cuộc gặp ở Nhà Trắng hồi tháng trước, Tổng thống Obama đã hứa với Thủ tướng Angela Merkel sẽ trì hoãn viện trợ vũ khí sát thương cho quân đội chính phủ Ukraine. Ông Obama nhất trí với bà Merken rằng “điều quan trọng là cần phải có khoảng trống cho các nỗ lực ngoại giao và chính trị đang diễn ra”.
Trước khi xuất hiện thông tin này, chính quyền của Tổng thống Obama vẫn công khai để ngỏ phương án viện trợ vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine. Tuần trước, Chủ tịch Hạ viện John Boehner cùng khoảng 10 nghị sỹ khác đã hối thúc Tổng thống Obama viện trợ vũ khí sát thương của Ukraine ngay lập tức. Tuy nhiên nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Âu, đặc biệt là Đức, phản đối động thái này vì lo ngại bạo lực leo thang ở miền Đông Ukraine và thổi bùng một cuộc chiến gián tiếp với Nga.
Nhà Trắng từ chối làm rõ vấn đề này, song người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Mark Stroh cho biết, Washington đang tham vấn chặt chẽ với các đồng minh châu Âu để đưa ra những chính sách phù hợp nhằm đạt được mục tiêu ở Ukraine.
Trong một diễn biến có liên quan, nguồn tin quân sự Mỹ hôm qua cho biết, nước này dự kiến triển khai 3.000 binh sỹ đến Đông Âu bắt đầu từ tuần tới, trong một nỗ lực nhằm tăng cường sự ủng hộ đối với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước cái mà Washington gọi là “sự leo thang xâm lược” của Nga.
Ukraine không phải là thành viên của NATO nhưng cùng với các nước láng giềng Estonia, Latvia và Litva là những đối tác quan trọng của liên minh quân sự này. Trong cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk hôm qua tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa Mỹ và châu Âu trong việc đảm bảo lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine./.