Ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến thăm Philippines, chặng dừng chân cuối cùng tới 4 nước châu Á. Mặc dù không được như kỳ vọng, nhưng chuyến thăm tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines của Tổng thống Mỹ lần này được cho là khá thành công, với việc củng cố chính sách xoay trục châu Á của Mỹ và khẳng định mối quan hệ hợp tác với các đồng minh truyền thống trong khu vực.
Đến 4 nước châu Á trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đang nóng lên từng ngày khiến dư luận cho rằng, mặc dù đang ở châu Á nhưng tâm trí của ông Obama lại luôn hướng về châu Âu. Tuy vậy, khi rời khỏi thủ đô Manila hôm nay (29/4), Tổng thống Obama hoàn toàn có thể hài lòng về kết quả của chuyến thăm này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Tổng thống Philippines Benigno Aquino (Ảnh: Reuters) |
Đến với đồng minh Nhật Bản- chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm, bên cạnh vấn đề an ninh quốc phòng , một điều được dư luận chờ đợi là hai bên sẽ hoàn thành cuộc đàm phán thương mại song phương, qua đó tháo gỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP).
Mặc dù kết thúc hội nghị cấp cao, hai bên không đạt được thỏa thuận nào, nhưng đây là điều có thể dự báo trước được do còn quá nhiều bất đồng trong các cuộc đàm phán trước đó. Trong chuyến thăm tới Hàn Quốc và Nhật Bản, Tổng thống Obama đều nhấn mạnh các cam kết của Mỹ với hai đồng minh chủ chốt trong khu vực trước những cảnh báo từ CHDCND Triều Tiên, cũng như hối thúc Nhật- Hàn cải thiện quan hệ song phương.
Thành công trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama phải kể đến chuyến thăm tới Malaysia và Philippines. Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ đến Malaysia -quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống kể từ năm 1966.
Tổng thống Obama và Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã quyết định nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên quan hệ đối tác toàn diện, đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ song phương, với việc hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, giáo dục, khoa học và công nghệ. Hai bên cũng quyết định khôi phục lại đối thoại quan chức cao cấp và các thỏa thuận đạt được, đặt nền móng vững chắc cho hợp tác hơn nữa giữa hai nước trong thời gian tới. Chuyến thăm tới Malaysia lần này cũng giúp Mỹ tiếp cận gần hơn với thế giới Hồi giáo.
Chuyên gia phân tích của trường đại học Monash (Malaysia) James Chin nhận định: “Chuyến thăm về cơ bản là khẳng định chính sách tái cân bằng hướng đến châu Á của Mỹ. Ông Obama cần đến thăm Malaysia vì Malaysia là một đất nước Hồi giáo ôn hòa. Tăng cường hợp tác với Malaysia cũng là con đường hướng tới thế giới Hồi giáo”.
Trong chuyến thăm tới Philippines- một đồng minh truyền thống trong khu vực, được truyền thông Mỹ đánh giá là cơ hội bắt đầu một chương mới trong mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, du lịch. Đặc biệt với việc kí kết Hiệp ước an ninh quốc phòng với Philippines giúp tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này. Đây được coi là một thỏa thuận quốc phòng quan trọng, có ý nghĩa nhất giữa hai bên trong nhiều thập kỉ qua, sau khi các cuộc tranh luận căng thẳng tại Thượng viện Philippines dẫn đến việc đóng cửa trạm căn cứ thường trực cuối cùng của Mỹ tại Philippines năm 1992.
Nhận định về thỏa thuận chiến lược vừa đạt được với Philippines, Tổng thống Obama nói: “Tôi và Tổng thống Philippines đã nhất trí bắt đầu một chương mới trong mối quan hệ hai nước và với thỏa thuận an ninh vừa đạt được, quân đội Mỹ bắt đầu luân chuyển tại các cảng và sân bay của Philippines. Chúng tôi sẽ cải thiện khả năng phản ứng nhanh hơn đối với các thảm họa. Hai bên sẽ hợp tác giúp thắt chặt mối quan hệ quốc phòng hai nước. Thắt chặt mối quan hệ đồng minh là một phần trong tầm nhìn lớn hơn của Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương”.
Chuyến thăm 4 nước châu Á của Tổng thống Obama đã thực hiện được các mục tiêu thúc đẩy cam kết của Mỹ đối với các đồng minh khu vực. Tại mỗi nước, Tổng thống Obama đều tái khẳng định các cam kết trong hiệp ước, theo đó Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh châu Á trong những tình huống khó khăn, sẵn sàng đáp trả bất cứ sự đe dọa nào về quân sự nhằm vào các quốc gia đồng minh thận cận và lâu đời của Mỹ trong khu vực.
Với Hiệp ước an ninh quốc phòng với Philippines, nâng quan hệ đối tác toàn diện với Malaysia, các cam kết thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương với Nhật Bản, chuyến thăm 4 nước châu Á của Tổng thống Obama một lần nữa củng cố chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ./.