Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/06 đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sỹ. Ông Joe Biden đã gọi cuộc gặp này là một thắng lợi về chính sách đối ngoại ngay cả khi căng thẳng liên quan tới các cuộc tấn công mạng và vấn đề nhân quyền có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ trong tương lai giữa hai nhà lãnh đạo.
Trước cuộc gặp, các quan chức Nhà Trắng không đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp này và bản thân Tổng thống Biden cùng các quan chức trong chính quyền của ông cho biết họ hy vọng về một mối quan hệ ổn định và dễ dự đoán hơn với Nga. Tổng thống Biden cho biết ông đã gây sức ép với Tổng thống Putin trong một số vấn đề bao gồm an ninh mạng và nhân quyền. Ông Biden cũng đề cập tới một số cơ sở hạ tầng không được phép tấn công và nhấn mạnh Mỹ có đủ năng lực và sẽ đáp trả nếu Nga tiến hành các cuộc tấn công mạng.
Trong các cuộc họp báo riêng rẽ sau cuộc gặp, cả Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đều cho rằng bầu không khí của cuộc gặp rất tích cực, xây dựng và không thù địch.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với Tổng thống Putin, ông Biden nhấn mạnh:“Tôi đã làm những gì cần phải làm. Thứ nhất đó là xác định các lĩnh vực thực chất mà hai nước có thể làm nhằm thúc đẩy các lợi ích chung và làm lợi cho thế giới. Thứ hai đó là trao đổi thẳng thắn rằng Mỹ sẽ đáp trả các hành động làm ảnh hưởng tới các lợi ích quan trọng của Mỹ và đồng minh của mình. Thứ ba đó là làm rõ các ưu tiên và giá trị của Mỹ.”
Sau cuộc gặp, Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đã ra tuyên bố chung về ổn định chiến lược trong đó nhấn mạnh, ngay cả trong những thời điểm căng thẳng, Mỹ và Nga có thể đạt tiến triển trong các mục tiêu chung nhằm đảm bảo tính có thể dự đoán trong lĩnh vực chiến lược, giảm rủi ro xung đột vũ trang và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân. Hai bên thống nhất bắt đầu đàm phán giảm rủi ro và kiểm soát vũ khí hạt nhân trong tương lai gần đồng thời tái khẳng định sẽ không ai có thể chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân vốn không bao giờ được xảy ra.
Tổng thống Putin cho biết Mỹ và Nga đã đồng ý cử Đại sứ của mình trở lại thủ đô của hai nước mặc dù không cho biết thời điểm cụ thể.
Cuộc gặp với Tổng thống Nga ngày 16/06 được cho là một cơ hội để Tổng thống Biden đưa Mỹ ra khỏi thời kỳ của người tiền nhiệm Donald Trump. Tuy nhiên, một số chuyên gia Mỹ hoài nghi về các tiến triển thực sự sau cuộc gặp này và liệu cách tiếp cận cá nhân và trưc tiếp của ông Biden có đủ để khiến Nga thay đổi cách hành xử của mình với Mỹ hay không. Trong khi đó, các nghị sỹ hàng đầu của Đảng Cộng hòa cùng ngày đã kêu gọi Tổng thống Biden áp đặt trừng phạt đối với Nga liên quan tới vụ đầu độc lãnh đạo đối lập Alexei Navalni./.