Phát biểu tại bữa tối trong lễ kỷ niệm thường niên lần thứ 36 của Viện Do Thái về An ninh Quốc gia Mỹ tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định "đánh bại IS từng là mục tiêu chủ yếu của chúng tôi và đây vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu nhưng hiện giờ chúng tôi bổ sung thêm 2 mục tiêu khác nữa. Đó là tìm kiếm một giải pháp chính trị và hòa bình cho cuộc xung đột Syria cũng như khiến các lực lượng của Iran phải rút khỏi đây".

pp_djlg.jpg

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AFP

Mỹ và Israel đã cáo buộc Tehran tăng cường ảnh hưởng lên Syria bằng cách ủng hộ lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shiite cũng như hỗ trợ Tổng thống Assad chống lại khủng bố. Ông Pompeo cảnh báo thêm rằng Mỹ không có ý định tài trợ cho quá trình tái thiết Syria cho đến khi Iran rút quân.

"Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Nếu Syria không đảm bảo lực lượng Iran rút quân hoàn toàn khỏi đây, quốc gia này sẽ không nhận được bất cứ đồng nào từ Mỹ để tái thiết đất nước", ông Pompeo khẳng định.

Lầu Năm Góc lâu nay duy trì nhiệm vụ đánh bại IS như một nhiệm vụ chính ở Syria. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí đã hợp tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin với mục tiêu tiêu diệt hết những tay súng cực đoan của IS - tổ chức khủng bố từng chiếm giữ hơn 1 nửa lãnh thổ Iraq và Syria.

Trong khi các cuộc tấn công và sự hỗ trợ hạn chế của Mỹ với lực lượng đối lập chống chính phủ Syria hầu như không thay đổi được tình hình khu vực thì sự ủng hộ của Nga và Iran đã ủng hộ lực lượng vũ trang của Tổng thống Assad chiếm lại hầu hết lãnh thổ Syria. Nhiều quốc gia cũng đã từ bỏ yêu sách buộc ông Assad phải từ chức như một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Chính quyền Tổng thống Trump không chỉ có nhiều tham vọng trong việc buộc Syria phải thay đổi chế độ mà còn kiên quyết phản đối sự ảnh hưởng của Iran tại đây. Quay lại thời điểm hồi tháng 1/2018, cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dường như coi việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran như một nhiệm vụ của Mỹ ở Syria và những lời tuyên bố gần đây của ông Pompeo một lần nữa khẳng định lại nhiệm vụ này. Tháng 5/2018, ông Trump đã quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran bất chấp lời kêu gọi ở lại của các đồng minh châu Âu cũng như Trung Quốc và Nga.

Chính sách của Mỹ dường như có nhiều điểm tương đồng với Israel trong vấn đề Iran khi cả hai đều coi quốc gia này là mối đe dọa lâu dài. Trong nhiều năm, Israel đã đánh bom các địa điểm nghi ngờ có liên quan đến Iran ở Syria và khẳng định sẽ tiếp tục hành động này, bất chấp việc gần đây Nga chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối không S-300 cho lực lượng vũ trang Syria sau khi Nga đổ lỗi cho Israel liên quan đến vụ chiếc máy bay trinh sát quân sự IL-20 bị bắn hạ ngoài khơi Syria hồi tháng 9/2018.

Tuần trước, chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại Trung Đông Joseph Votel nhận định rằng sứ mệnh của ông là “tập trung vào việc đánh bại IS ở Syria" nhưng cũng khẳng định thêm rằng: "Tôi cho rằng chúng tôi đang đóng vai trò gián tiếp trong việc tăng cường chiến dịch gây sức ép lớn hơn với Iran". Tuyên bố này được đưa ra sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, một người theo đuổi chính sách cứng rắn với Iran trong một thời gian dài, chia sẻ vào tháng 9/2018 rằng: "Chúng tôi sẽ không rời đi nếu như quân đội Iran trong đó có lực lượng dân quân và quân ủy nhiệm vẫn ở ngoài biên giới Iran"./.