Sau nhiều tháng căng thẳng leo thang ở Idlib - thành trì cuối cùng của phe nổi dậy ở Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã đạt được một giải pháp tạm thời.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thành lập khu vực phi quân sự ở tỉnh Idlib, Syria. Ảnh: AP |
Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 17/9 tại Sochi, hai quốc gia đã nhất trí thiết lập khu vực phi quân sự tại tỉnh Idlib và khu vực này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/10 tới.
Theo đó, tất cả những "tay súng cực đoan" và "những vũ khí hạng nặng, xe tăng, máy phóng tên lửa, súng ngắn, súng cối" đều phải rút khỏi khu vực này. Quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuần tra khu vực phi quân sự tại tỉnh Idlib để đảm bảo các nhóm vũ trang tuân thủ theo thỏa thuận này. Ông Erdogan và ông Putin đều nhất trí mở lần lượt các đường cao tốc M4 và M5 nối Latakia và Damascus với Aleppo vào cuối năm 2018 để các phương tiện có thể lưu thông từ các khu vực do chính phủ kiểm soát.
Dĩ nhiên, hiệp định tạm thời này không phải hoàn toàn là một giải pháp lý tưởng cũng như không bao gồm một lộ trình cho việc bình thường hóa những diễn biến tại Iblib. Dù vậy, đây vẫn là một quyết định mang tính tích cực so với việc để tình trạng bạo lực tiếp tục diễn ra ở tỉnh tây bắc Syria này.
Nga thực sự muốn gì ở Idlib?
Thỏa thuận thiết lập khu vực phi quân sự ở Idlib rõ ràng đem lại lợi ích cho Ankara nhưng Moscow cũng có được những lợi ích nhất định khi những căng thẳng trong khu vực “hạ nhiệt”. Thực tế thì Nga cũng muốn tránh một cuộc tấn công trên quy mô lớn và quan trọng nhất là tránh một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn nữa, xét đến lợi ích của Nga và chính phủ Syria khi đánh bại được phe vũ trang đối lập và chiếm được Idlib, một cuộc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn đến sự kết thúc của hòa đàm Syria tại Astana hồi tháng 1/2017. Khi ấy, Kremlin sẽ mất đi một cơ sở quan trọng cho việc hợp pháp hóa sự hiện diện tại Syria và cho những cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow tìm kiếm mối quan hệ thân thiết hơn với Ankara không chỉ để đảm bảo các dự án năng lượng quan trọng mà còn dùng mối quan hệ này để cạnh tranh ảnh hưởng với EU và Mỹ.
Việc chính phủ Syria giành được Idlib cũng mang đến một giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria và khiến Nga tự động mất đi vai trò chi phối ở quốc gia này. Trong các cuộc đàm phán chính trị sau này, sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria sẽ không còn nhiều giá trị ảnh hưởng nữa bởi vì các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc hỗ trợ tái thiết Syria - lĩnh vực mà Nga không thể đóng góp được nhiều.
Mặc dù hiện tại, khu vực phi quân sự ở Idlib dường như mang lại lợi ích cho cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không có gì đảm bảo là nó sẽ được thực hiện như đúng kế hoạch. Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều sẽ phải thuyết phục các bên tham chiến tuân theo thỏa thuận này và hiện vẫn chưa rõ liệu chính phủ Syria và phe đối lập có nhất trí với thỏa thuận này hay không. Điều này có nghĩa là khả năng về một cuộc tấn công quân sự trên quy mô lớn ở Idlib vẫn còn rất cao.
Thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể kéo dài trong bao lâu?
Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn giữ quyết tâm giành lại quyền kiểm soát Iblib. Sau chiến thắng ở Đông Ghouta - vùng ngoại ô Damascus và các tỉnh Deraa và Quneitra ở phía nam, rõ ràng, Tổng thống Assad muốn theo đà thắng này và tấn công Idlib. Câu hỏi cho chính phủ Syria chưa bao giờ là liệu có nên tấn công thành trì cuối cùng của phe nổi dậy ở tỉnh tây bắc Syria này hay không mà là khi nào thì nên tấn công.
Mặt khác, hiện vẫn chưa rõ liệu phe đối lập có đồng ý dừng chiến và giải trừ vũ khí hay không, đặc biệt là những phần tử cực đoan của lực lượng Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) có liên hệ với Al-Qaeda.
Thậm chí cả khi Thổ Nhĩ Kỳ có thể thuyết phục HTS và những nhóm cực đoan khác rút khỏi khu vực phi quân sự thì Ankara cũng vẫn gặp khó khăn trong việc đảm bảo an ninh cho tuyến đường cao tốc M4 và M5. Khoảng 200km của hai con đường này chạy qua một số khu vực do phe đối lập kiểm soát không nằm trong khu vực phi quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn để đảm bảo sẽ không có cuộc tấn công hay bất kỳ vụ cướp nào do các nhóm vũ trang gây ra khi các tuyến đường này được mở để các phương tiện có thể lưu thông từ các khu vực do chính phủ nắm giữ.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải tiến hành một cuộc tấn công quân sự chống lại HST thì quốc gia này cũng phải đối mặt với một thách thức khác. Đó là phải có sự cho phép của Nga trong việc sử dụng các máy bay chiến đấu trong không phận của Syria. Trong suốt cuộc tấn công Afrin, Moscow ban đầu cho phép lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu trên không phận Afrin nhưng sau đó đã hủy sự cho phép này. Đối với Kremlin, đây là một vấn đề mang tính nguyên tắc: Nếu Nga để mất quyền kiểm soát không phận Idlib thì Moscow sẽ không thể khôi phục quyền hạn này nữa. Không có sự yểm trợ của lực lượng không quân, cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng.
Cuối cùng, thậm chí nếu khu vực phi quân sự đi vào hiệu lực một cách thuận lợi thì đây cũng chỉ là một giải pháp tạm thời cho tương lai của Idlib. Moscow bày tỏ thiện chí với Ankara nhưng cũng đồng thời san bớt trách nhiệm về những gì xảy ra tiếp theo tại Idlib với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này tức là Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải gánh vác trách nhiệm trong việc thực hiện và duy trì thỏa thuận này.
Thỏa thuận thiết lập khu vực phi quân sự sẽ được thực hiện trong bao lâu và liệu có phải Nga chỉ đang dùng nó để trì hoãn cho kế hoạch tấn công Idlib hay không vẫn là những câu hỏi cần thêm thời gian để giải đáp./.
Nga-Thổ Nhĩ Kỳ hợp lực ngăn Idlib vỡ trận: Chiến sự Syria đến hồi kết?
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận đột phá về vấn đề Idlib (Syria)