a1_omei.jpg

Nhiều người đã xuống đường ở Hong Kong ngày 9/6 để phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi khi cho phép các nghi phạm được đưa đến Trung Quốc đại lục để xét xử. 

Những người biểu tình giơ các biển hiệu với dòng chữ "Không dẫn độ" trong suốt cuộc biểu tình ngày 9/6. 
Các tổ chức cho biết có khoảng hơn 1 triệu người biểu tình phản đối dự luật trong khi các cảnh sát ước tính vào lúc cao điểm có khoảng 240.000 người xuống đường cùng lúc.
Những người chỉ trích dự luật nhận định dự luật này sẽ khiến những người Hong Kong bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi có thể bị các nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ vì những lý do chính trị và điều này sẽ phá hủy hệ thống "Một nhà nước 2 chế độ" của đặc khu này.
Tuy nhiên, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các quan chức khác cho rằng dự thảo sẽ giúp xóa bỏ "lỗ hổng pháp lý tồn tại từ lâu" khi chấm dứt việc tội phạm truy nã từ đại lục lợi dụng đặc khu hành chính này làm nơi trú ẩn.
Những người biểu tình giơ các tấm biển hiệu có hình bà Lâm để phản đối dự luật dẫn độ này ngày 9/6. Hiện Đặc khu trưởng Hong Kong chưa bình luận gì về cuộc biểu tình và tương lai của dự luật.
Đợt xuống đường trên quy mô lớn của người dân Hong Kong nhằm phản đối dự luật dẫn độ ngày 9/6 là cuộc biểu tình lớn nhất từ khi thành phố này được trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Theo tuyên bố của một nhóm chính trị ở Hong Kong là Demosisto, hàng nghìn người cũng đã tập trung phản đối dự luật dẫn độ khắp Australia ngày 9/6. Những cuộc biểu tình tương tự cũng được lên kế hoạch ở một số thành phố khác khắp thế giới.
Dòng người khổng lồ xuống đường phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong ngày 9/6.
Chính quyền Hong Kong đã phát đi 1 thông báo ngày 9/6, thừa nhận các cuộc biểu tình phản đối đang diễn ra tại đây, đồng thời khẳng định rằng dự luật theo dự kiến vẫn sẽ được đưa ra thảo luận ngày 12/6. "Chúng tôi kêu gọi Hội đồng Lập pháp xem xét dự luật một cách bình tĩnh, hợp lý và tôn trọng để đảm bảo Hong Kong vẫn là một thành phố an toàn với các cư dân và doanh nghiệp"./.