tong_thong_maduro_padm.jpg
Ông Maduro. Ảnh: El Politico.

Quyết định này trước đó vấp phải sự chỉ trích ở cả trong nước và quốc tế.

Được đưa ra hồi giữa tuần, quyết định của Tòa án tối cao Venezuela tự tiếp quản quyền lập pháp của Quốc hội, hiện do phe đối lập kiểm soát đã làm bùng phát căng thẳng chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này, nhất là trong bối cảnh các lực lượng đối lập từ nhiều tháng qua đang tìm cách thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân nhằm buộc Tổng thống Maduro phải từ chức trước thời hạn.

Tổng thống Maduro tối qua đã triệu tập cuộc họp Hội đồng Quốc phòng nhằm củng cố Hiến pháp và giải quyết mối bất đồng giữa các cơ quan quyền lực nhà nước.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia sau cuộc họp, Tổng thống Maduro khẳng định, chính phủ đã đạt được một thỏa thuận quan trọng để giải quyết bất đồng. Theo ông, trật tự hiến pháp tại Venezuela sẽ không bị phá vỡ - Hiến pháp, quyền dân sự, chính trị, nhân quyền vẫn được tôn trọng.

Ông Maduro nói: “Với việc áp dụng các cơ chế hiến pháp, tranh cãi giữa hai cơ quan quyền lực nhà nước đã nhanh chóng được giải quyết. Với tư cách là người đứng đầu đất nước, tôi đã có những bước đi nhanh chóng và hiệu quả. Tòa án tối cao đã rút lại quyết định, sớm chấm dứt cuộc tranh cãi.”

Trong khi đó, Phó Tổng thống Tareck El Aissami cho biết chính phủ đã kêu gọi Tòa án tối cao nước này xem xét lại các quyết định của mình nhằm duy trì sự ổn định thể chế và sự cân bằng quyền lực. Ông cũng cảnh báo không ai có thể lợi dụng tình hình hiện nay để tiến hành đảo chính, đồng thời kêu gọi người dân cảnh giác.

Trong thông báo được công bố trên trang chủ của tòa án ngay sau cuộc họp, Tòa án tối cao Venezuela tuyên bố đảo ngược quyết định giành quyền lập pháp từ Quốc hội mà lực lượng đối lập cáo buộc là một "cuộc đảo chính".

Hôm 30/3 vừa qua, Tòa án tối cao Venezuela đã tự giành quyền lập pháp sau khi ra phán quyết khẳng định Quốc hội nước này có hành động coi thường tòa án khi tìm cách chống lại Tổng thống Maduro. Trước đó hai ngày, Tòa án tối cao cũng đã vô hiệu hóa quyết định của cơ quan lập pháp ủng hộ Tổ chức các quốc gia Nam Mỹ áp  dụng Hiến chương dân chủ chống Chính phủ Venezuela, cho rằng, văn bản này là vi hiến. Quyết định đã làm gia tăng áp lực lên Tổng thống Maduro. Trong khi phe đối lập kêu gọi biểu tình ở trong nước, thì một số nước cũng đã lên tiếng phản ứng.

Chính vì thế, bước đi của Tổng thống Maduro được đánh giá là khá kip thời khi tránh cho cuộc khủng hoảng bị đẩy xa hơn nữa, nhất là trong bối cảnh các lực lượng đối lập ở trong và ngoài nước vẫn chưa chấp nhận việc chính quyền nước này ngăn chặn họ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về việc bãi nhiệm Tổng thống, cũng như trì hoãn các cuôc bầu cử địa phương hồi năm 2016./.