Hội nghị diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Palestine không những không có dấy hiệu lắng dịu mà còn ngày càng leo thang. Đại diện của nhóm Bộ tứ Trung Đông và các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng tham dự hội nghị này.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, Tổng Thống nước chủ nhà Joko Widodo nhấn mạnh, thế giới lo ngại về tình hình đang xấu đi tại Palestine gần đây và chỉ trích những “chính sách đơn phương và bất hợp pháp” của Israel.
Ông Widodo cho rằng, các quốc gia Hồi giáo nên là một phần cho giải pháp trong cuộc xung đột Israel-Palestine: “Là một phần của cộng đồng quốc tế, Israel cần phải chấm dứt các hoạt động và các chính sách bất hợp pháp trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Indonesia và Thế giới Hồi giáo sẵn sàng có những hành động cụ thể nhằm thúc giục Israel chấm dứt sự chiếm đóng đối với Palestine”.
Theo Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, Hội nghị dự kiến sẽ ra một nghị quyết chung, trong đó tái khẳng định lập trường về nguyên tắc và cam kết của OIC nhằm ủng hộ một nhà nước Palestine có chủ quyền với thủ đô là Jerusalem.
Về phần mình, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas bày tỏ lời cảm ơn đối với Thế giới Hồi giáo, và đặc biệt là nước chủ nhà Indonesia đã dành sự ủng hộ cho chính quyền và người dân Palestine.
“Tôi cám ơn tất cả các bạn vì sự ủng hộ đối với Palestine, đặc biệt là trong những điều kiện khó khăn như hiện nay. Tôi tin rằng, hội nghị quan trọng này sẽ ủng hộ mọi thứ liên quan đến người dân Palestine chúng tôi”, ông Abbas nói.
Từ tháng 10/2015, các vụ bạo lực giữa Israel và Palestine đã kiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có 173 người Palestine, 28 người Israel và 1 công dân Mỹ.
Xung đột diễn ra liên quan đến nhiều phe phái, trong đó có cả bất đồng về khu đền thờ al-Aqsa ở Jerusalem và sự thất bại của các vòng đàm phán hòa bình nhằm đảm bảo cho Paletsin một nhà nước độc lập trên các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng.
Palestine muốn thành lập nhà nước trên vùng lãnh thổ gồm Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem - những phần bị Israel chiếm đóng từ năm 1967, trong khi Israel lại không muốn nhượng bộ.
Các nỗ lực do Mỹ bảo trợ về giải pháp 2 nhà nước giữa Israel và Palestine đã sụp đổ từ năm 2014 và tới nay vẫn chưa có những nỗ lực nghiêm túc nào nhằm khôi phục các cuộc đàm phán này.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 6/3, Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah tuyên bố, Ban lãnh đạo Palestine sẽ sớm một lần nữa thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra một nghị quyết lên án hoạt động định cư của Israel tại Bờ Tây và sẽ phối hợp với các nước Arab về vấn đề này.
Theo Thủ tướng Hamdallah, hoạt động định cư của Israel là nhằm mục đích phá hoại giải pháp hai nhà nước vốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Ông nêu rõ, tại Hội đồng Bảo an, Paletin muốn thấy lập trường của các nước vốn luôn coi hoạt động định cư của Israel là bất hợp pháp và không chính đáng. Ông hối thúc cộng đồng quốc tế ủng hộ nỗ lực của Palestine nhằm chống lại hoạt động bất hợp pháp theo luật quốc tế này.
Đây sẽ là lần thứ 4 Palestine nỗ lực tìm kiếm một nghị quyết Hội đồng bảo an liên quan đến vấn đề định cư. Năm 2011, một dự thảo nghị quyết của Palestine về các hoạt động định cư đã bị Mỹ phủ quyết. Các nỗ lực tương tự cũng đã thất bại vào năm 2012 và 2014./.