Cùng với đó, khu vực Đông Bắc Syria cũng đang diễn biến khá phức tạp, khi Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thiết lập vùng an toàn bên trong lãnh thổ Syria, bất chấp chỉ trích xâm phạm chủ quyền.

quan_doi_syria2_nbcr.jpg
Quân đội Syria. Ảnh: ArabNews.

Theo hãng tin Reuters, hôm 8/8, quân đội Syria đã tiến hành 1 chiến dịch quân sự và giải phóng thành công 2 ngôi làng lân cận khu vực Idlib. Theo một số tổ chức nhân quyền, các chiến dịch quân sự tại đây trong 2 ngày qua đã khiến ít nhất 60 người thiệt mạng, trong đó có 40 tay súng phiến quân và 20 binh sĩ quân đội Chính phủ. Hiện các cuộc giao tranh diễn ra khá quyết liệt giữa các bên khi các nhóm phiến quân tại Idlib cảnh báo, mỗi tấc đất quân đội Syria giải phóng sẽ đều phải trả một cái giá rất cao. Thực tế, quân đội Syria cũng đã thừa nhận điều này.

Trước bối cảnh đó, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen hôm 8/8 đã lên tiếng quan ngại về lệnh ngừng bắn tại khu vưc Tây Bắc Syria đổ vỡ,  đồng thời đưa ra cảnh báo bạo lực có thể đe dọa mạng sống của hàng triệu người dân khu vực. Ông Geir Pedersen lo ngại, đợt bạo lực mới tại Tây Bắc Syria còn có thể khốc liệt hơn và gây hậu quả nghiệm trọng hơn so với đợt giao tranh trong suốt 3 tháng trước đó, vốn đã cướp đi sinh mạng của 500 người dân và buộc hàng trăm nghìn người dân khác  phải đi lánh nạn.

Tây Bắc Syria nóng, song Đông Bắc Syria cũng diễn biến khá phức tạp khi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng thiết lập 1 khu vực – được gọi vùng an toàn bên trong lãnh thổ Syria, với trung tâm điều phối chung chịu trách nhiệm, được đặt bên phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm 8/8, Bộ Ngoại giao Syria đã lên tiếng bác bỏ kế hoạch này của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, cho đây là sự xâm phạm chủ quyền quốc gia và thống nhất lãnh thổ Syria, công khai vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chính phủ Syria cũng cho rằng lực lượng người Kurd tại Syria – vốn được Mỹ hậu thuẫn, cũng sẽ phải chịu trách nhiệm lịch sử cho vấn đề khi chấp nhận “trở thành công cụ” trong kế hoạch của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo chuyên gia phân tích chính trị người Syria Naiim Akbik, thỏa thuận về việc thiết lập vùng an toàn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây ra 1 hệ lụy quốc tế rất nguy hiểm: “Việc Mỹ - Thổ lập vùng an toàn là một tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế - hai nước đồng ý về việc lập bản đồ và vùng an toàn ở nước thứ ba. Đây là sự vi phạm chủ quyền của nước thứ ba và vi phạm luật pháp quốc tế. Điều này sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong quan hệ quốc tế, phổ biến những quy định sai pháp luật”.

Thực tế, dù đồng ý thiết lập vùng an toàn tại Đông Bắc Syria song đến nay Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thống nhất được diện tích vùng an toàn cũng như cách thức quản lý khu vực. Lo ngại giống như tiến độ của thỏa thuận tại Manbij giữa Mỹ - Thổ trước đây, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 8/8 khẳng định:  “Chúng tôi sẽ không cho phép những nỗ lực về vùng an toàn sẽ giống như Lộ trình Manbij. Lộ trình Manbij được cho là thực hiện trong 90 ngày và được Ngoại trưởng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn vào mùng 4/6. Tuy nhiên trên thực tế, Mỹ đã trì hoãn việc thực hiện với nhiều lí do như vấn đề tuần tra chung. Chúng tôi sẽ không cho phép tiến trình này tiếp tục bị trì hoãn. Chúng ta cần phải thực hiện nó trên thực tế”.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ từng cảnh báo, nếu không đạt được thỏa thuận với Mỹ về việc thiết lập khu vực an toàn tại khu vực biên giới Syria tiếp giáp Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sẽ đơn phương thiết lập vùng này hoặc không sẽ là 1 chiến dịch đẩy lùi người Kurd Syria ra khỏi khu vực đó./.