- Mỹ-Pháp gây áp lực đối với Chính phủ Syria
- Vụ thảm sát mới có mở đường cho sự can thiệp quân sự vào Syria?
Người phát ngôn LHQ Martin Nesirky cho biết, các quan sát viên của cơ quan này đã thấy xe tải chống đạn và những ngôi nhà bị rocket, lựu đạn cùng các loại vũ khí khác phá hủy.
Ít nhất 55 người đã bị giết hại vào hôm 6/6 vừa qua, trong cuộc tấn công vào làng Al-Kubeir ở tỉnh Hama.(ảnh: Reuters) |
Theo Cơ quan giám sát nhân quyền Syria, ít nhất 55 người đã bị giết hại vào hôm 6/6 vừa qua, trong cuộc tấn công vào làng Al-Kubeir ở tỉnh Hama. Al-Kubeir là vụ thảm sát lớn thứ hai tại Syria trong vòng 2 tuần qua. Ít nhất 108 người, trong đó có 49 em nhỏ, đã bị giết hại khi các lực lượng tấn công thành phố Houla vào ngày 25/5. Chính phủ Syria phủ nhận vai trò trong cả hai vụ thảm sát.
Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã mô tả tình hình tại nhiều khu vực ở Syria là "vô cùng căng thẳng" và có kế hoạch cung cấp các hỗ trợ nhân đạo cho 1,5 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi tình trạng bạo lực. Hiện, các nhân viên Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế hiện có mặt tại 19 tỉnh của Syria.
Người phát ngôn của Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế Hicham Hassan cho biết, giao tranh đang diễn ra giữa quân đội Syria và các nhóm vũ trang đối lập để giành quyền kiểm soát các vùng nông thôn hoặc vùng ngoại ô của các thành phố hay thị trấn.
Nhiều dòng người đang ồ ạt sơ tán từ tỉnh này sang tỉnh khác nhằm tránh bạo lực và nhiều người đang cần trợ giúp các nhu yếu phẩm như bánh mỳ. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi cũng cần được sửa chữa. Ông Hassan nhấn mạnh rằng cần một giải pháp chính trị.
Theo thông tin mới nhất từ hãng thông tấn SANA của Syria, chiều 8/6, tại thủ đô Damasus, các nhóm vũ trang đã tấn công một nhà máy điện, gây mất điện tại một số thị trấn ở cửa ngõ phía Bắc thủ đô.
SANA dẫn lời Bộ trưởng Điện lực Imad Khamis cho biết, các phần tử khủng bố đã phóng hỏa nhà máy điện tại Al-Qaboun, làm hư hỏng 4 máy phát điện cho một phần thành phố.
Thiệt hại ước tính lên tới 3 triệu USD. Hiện, ngọn lửa đã được dập tắt. Các trạm điện thay thế sẽ được hoạt động cho tới khi giải quyết xong các vấn đề ở nhà máy gặp hỏa hoạn. Dự kiến việc sửa chữa sẽ kéo dài trong 3 ngày.
Trong khi đó, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo cho biết, trong các sự cố riêng rẽ tại Damasus và thành phố Homs, 5 nhà báo Syria đã thiệt mạng trong vòng hai ngày qua khi đang đưa tin về cuộc xung đột tại nước này. Nếu tính từ khi làn sóng biểu tình bùng phát đến nay đã có 9 nhà báo Syria và quốc tế thiệt mạng.
Ngày 8/6, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gặp Đặc phái viên chung của LHQ và Arab, ông Kofi Annan để thảo luận những thách thức đang đặt ra đối với Kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, ông Annan nói: “Một số người nói rằng kế hoạch có thể chết yểu. Vấn đề đối với kế hoạch này là việc thực hiện. Vì vậy, tất cả các câu hỏi đang được thảo luận và chúng tôi cũng đang khai thác lúc này là làm sao có thể phối hợp với chính phủ các nước trong khu vực và trên toàn thế giới để đạt được các mục tiêu của chúng tôi”.
Nhằm gia tăng sức ép với chính quyền Syria, Anh, Pháp và Mỹ đang nhanh chóng soạn thảo một nghị quyết của HĐBA LHQ đề nghị trừng phạt chống lại Syria vì cuộc xung đột đang ngày một tồi tệ. Nghị quyết này sẽ bao gồm các biện pháp ghi trong Điều 7 của Hiến chương LHQ, tức là không loại trừ giải pháp can thiệp quân sự.
Trong phản ứng của mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nhấn mạnh, Nga phản đối gia tăng sức ép và trừng phạt hoặc sử dụng vũ lực chống lại Syria đồng thời kêu gọi tất cả các nước có ảnh hưởng đối với Chính phủ Syria và phe đối lập nên cùng nhau nỗ lực tạo điều kiện tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này theo hướng phù hợp với kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên chung Annan./.