Cuộc hội thảo về an ninh lương thực và nước tại hạ nguồn sông Mekong vừa được tổ chức tại Washington DC, Mỹ với sự tham gia của đại diện các nước trong khu vực, Bộ Ngoại giao cùng nhiều tổ chức và doanh nghiệp Mỹ.

Đây là hội thảo đầu tiên về khoa học và công nghệ trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong, một mô hình đối tác giữa Mỹ, Việt Nam, Thái Lan, Cambodia, Lào và Myanmar nhằm đối phó với các thách thức về chính sách và phát triển. 

a1_copy_lfzz.jpgĐại diện Bộ Ngoại giao Mỹ và các nước hạ nguồn sông Mekong

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã nêu ra những thách thức trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước và lương thực đặc biệt là nhu cầu về công nghệ xử lý và cung cấp nước trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đóng một vai trò thiết yếu trong nền kinh tế của các nước trong khu vực.

Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ), Richard Cronin cho rằng biến đổi khí hậu cũng như một số vấn đề của quá trình công nghiệp hóa đang đe dọa nguồn nước của một số quốc gia liên quan, đặc biệt là Việt Nam. 

Hội thảo đã giới thiệu và trình diễn một số công nghệ mẫu có thể ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và nguồn nước như là trình diễn hệ thống tăng hiệu suất máy bơm

“Các đập thủy điện ở một số nước xung quanh cũng như ở Tây Nguyên là một vấn đề lớn đối với Việt Nam vì chúng làm giảm lượng trầm tích bồi đắp cho vùng đồng bằng, khiến hiện tượng nước mặn xâm thực thêm nghiêm trọng. Tiếp theo là vấn đề khai thác nước ngầm quá mức, gây sụt lún đất. Việt Nam cũng cần chú ý sử dụng nước tưới một cách tiết kiệm và tái chế nước sinh hoạt đô thị. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa không chỉ tiêu thụ một lượng nước lớn mà việc sử dụng đất để xây dựng nhà máy còn làm giảm lượng nước mưa thẩm thấu trở lại mặt đất”, ôngRichard Cronin cho biết.

Theo các nhà khoa học, cùng với quá trình điều chỉnh quy hoạch và chính sách thì việc cấp bách hiện nay là tìm kiếm và ứng dụng những công nghệ bảo vệ nguồn nước phù hợp với điều kiện phát triển của khu vực. 

Đây là hội thảo đầu tiên về khoa học và công nghệ trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong.

Ông Trần Ngọc Ca, Trưởng văn phòng Khoa học-công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cho biết: “Ở đây có một số vấn đề, trước hết là điều kiện thiên nhiên. Vấn đề thứ hai hoàn toàn có thể nằm trong tầm tay chúng ta, tức là áp dụng các công nghệ cần thiết để có thể tiếp cận những nguồn nước sạch hơn, hoặc biến những nguồn nước chưa đủ sạch thành nguồn nước sạch. Đây là mục tiêu mà chúng tôi đang nhắm đến”.

Hội thảo đã giới thiệu và trình diễn một số công nghệ mẫu có thể ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và nguồn nước tại hạ nguồn sông Mekong như công nghệ cung cấp nước bằng năng lượng mặt trời, hệ thống tăng hiệu suất và tiết kiệm điện cho máy bơm, hệ thống bơm nước cơ học… 

Trình diễn hệ thống bơm sử dụng xe đạp

Ông Trần Ngọc Ca cho biết: “Một trong những kết quả hôm nay là chúng ta đã làm quen được nhiều công nghệ, trong đó có công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời để tạo ra nguồn nước sạch, thậm chí ở cả những vùng sâu vùng xa. Ngay sau buổi tọa đàm, các công ty tham dự đã làm việc với các đối tác để đưa các công nghệ này về Việt Nam”.  

Tại hội thảo, đại diện chính phủ Mỹ đã chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc tiếp cận nguồn tài chính và kênh liên kết thông qua Cơ quan Viện trợ Phát triển Mỹ (USAID), Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA)./.