Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, việc phát triển thủy lợi ở thượng lưu sông Mekong sẽ làm giảm diện tích ngập nước, giảm diện tích đầm lầy, diện tích đất nông nghiệp và làm mất khả năng điều hòa nguồn nước ở khu vực ĐBSCL.

Theo các nhà khoa học, việc các đập xây dựng ở thượng nguồn sẽ làm giảm mạnh lượng phù sa bồi lắng dọc đường đi chính của dòng sông Mekong và ĐBSCL sẽ  không còn mùa nước nổi, không còn phù sa bồi đắp cho mũi Cà Mau, nước mặn sẽ xâm thực sâu, dẫn đến nguy cơ nhiễm mặn cả vùng. 

Trước hiện trạng báo động trên, nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã đề ra các  giải pháp tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động của phát triển đập thủy điện. Trong đó, giải pháp thuỷ lợi cần đặc biệt quan tâm để vừa nâng cao tính hiệu quả, cũng như hạn chế được những tác động xấu ảnh hưởng đến sản xuất; tập trung các giải pháp chống xâm nhập mặn, chống xói mòn, khơi thông dòng chảy đưa nước tưới tiêu cho vùng; xây dựng các hồ tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt….

Ông Lương Quang Xô – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, để thực hiện có hiệu quả những giải pháp này, các địa phương, ngành cần phải có những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn sự xâm nhập mặn và đảm bảo điều hòa nguồn nước nhằm hạn chế tác động của  biến đổi khí hậu trong tương lai.

Ông Lương Quang Xô nói: “Đối với ĐBSCL, giải pháp chúng tôi đưa ra là vấn đề cấp nước, kiểm soát mặn, nước biển dâng và gió bão; nâng cấp hệ thống đê biển, đê cửa sông trên các cửa sông lớn. Giải pháp nữa là chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho người dân cho hiệu quả cao mà sử dụng ít nước”./.