Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại về vấn nạn khói mù ảnh hưởng đến khu vực phía bắc của ASEAN trong hai năm qua. Trong thời gian này, các nước trong khu Tiểu vùng Mekong đã triệu tập các cuộc họp trực tuyến về sự cố khói bụi trong khu vực, cung cấp các nền tảng để đưa ra các hành động và hợp tác cụ thể cải thiện giám sát, đẩy mạnh phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
Cũng tại hội nghị, Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN (ASMC) đã trình bày dự báo thời tiết và khói bụi trong khu vực. Theo đó, số điểm nóng của tiểu vùng sông Mekong năm 2021 giảm nhẹ so với 2 năm trước. Trung tâm khí tượng chuyên ngành ASEAN cũng cho biết, mùa khô sắp tới của tiểu vùng sông Mekong dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2021 và kéo dài đến giữa năm 2022, đồng thời hiện tượng La Niña xuất hiện vào tháng 12 năm 2021 được dự báo sẽ kéo dài cho đến đầu năm 2022.
Hội nghị ghi nhận nỗ lực không ngừng của Trung tâm khí tượng chuyên ngành ASEAN trong việc nâng cao năng lực kỹ thuật giám sát, đánh giá và cảnh báo sớm các điều kiện thời tiết và khói mù trong khu vực cũng như dự báo thời tiết và khí hậu. Trung tâm khí tượng chuyên ngành ASEAN thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo và diễn đàn kỹ thuật trong khuôn khổ Chương trình Xây dựng Năng lực Khu vực kéo dài 5 năm, với sự tham gia đông đảo từ 614 nhân sự từ ASEAN.
Hội nghị tái khẳng định cam kết tại Cuộc họp lần thứ 16 của Hội nghị các bên tham gia Hiệp định ASEAN về Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (COP-16) vào ngày 22 tháng 10 năm 2021. Các Bộ trưởng nhất trí sẽ tăng cường Kế hoạch Hành động Quốc gia và tăng cường đổi mới công nghê giám sát hỏa hoạn. Hội nghị cũng nhất trí đảm bảo việc thực hiện đầy đủ Quy trình hoạt động tiêu chuẩn ASEAN (SOP) về Giám sát, Đánh giá và Ứng phó Khẩn cấp chung trong đó Mức độ cảnh báo, Điểm kích hoạt và Hành động ngăn chặn hỏa hoạn đã được COP-10 thông qua.
Các Bộ trưởng tham gia Hội nghị nhắc lại thỏa thuận được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 9 Tiểu ban chỉ đạo cấp bộ trưởng về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới trong Tiểu vùng Mekong năm 2020, trong đó mở rộng Kế hoạch hành động năm 2017 của Chiang Rai đến năm 2025 với mục tiêu giảm 20% điểm nóng cho năm tới.
Các nước tiểu vùng Mekong nhất trí duy trì và thông qua các khuyến nghị mới của Lộ trình Hợp tác ASEAN hướng tới Kiểm soát Ô nhiễm khói mù Xuyên biên giới, nhằm đạt được tầm nhìn về một ASEAN không khói mù.
Hội nghị hoan nghênh việc Lực lượng Đặc nhiệm ASEAN về Đất than bùn (ATFP) đã hoàn thành việc rà soát lần cuối Chiến lược Quản lý Đất than bùn ASEAN (APMS 2006-2020, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên tục tăng cường năng lực quốc gia và khu vực và hợp tác trong đánh giá, phòng ngừa, giảm thiểu và quản lý đất đai và / hoặc cháy rừng; hướng tới sự phát triển của lộ trình tiếp theo của Chiến lược Quản lý Đất than bùn ASEAN.
Hội nghị đánh giá cao những hỗ trợ, đóng góp liên tục của các đối tác bên ngoài của ASEAN nhằm thúc đẩy quản lý bền vững các vùng đất than bùn trong khu vực ASEAN thông qua Dự án sử dụng bền vững đất than bùn và giảm thiểu khói mù ở ASEAN (SUPA) do EU và Đức tài trợ, Dự án GEF-6 về Quản lý bền vững hệ sinh thái đất than bùn ở các nước sông Mekong do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thực hiện và Quản lý đất bền vững không có khói mù ở Đông Nam Á (MAHFSA) do Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ.
Hội nghị lần thứ 11 Tiểu ban chỉ đạo cấp bộ trưởng về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới trong Tiểu vùng Mekong sẽ được tổ chức tại Thái Lan vào năm 2022./.