Căng thẳng tại khu Bờ Tây sau cái chết của một tù nhân Palestine giam giữ tại Israel đang có dấu hiệu leo thang. Theo các nhà phân tích, dù chưa đến mức khơi mào cho một cuộc nổi dậy lần thứ 3 của người Palestine, song lại làm cho tiến trình hòa bình Trung Đông càng trở nên xa vời.
Ngày 26/2, một quả tên lửa đã được bắn từ phía dải Gaza nhằm vào miền Nam Israel, trong bối cảnh căng thẳng giữa Isrrael và Palestine leo thang xung quanh cái chết của một tù nhân Palestine trong nhà tù Israel. Dù không gây thiệt hại về người, song đây lại là vụ tấn công bằng tên lửa đầu tiên tại dải Gaza kể từ tháng 11/2012. Một nhóm vũ trang thuộc phong trào Fatah của Palestine đã nhận trách nhiệm vụ tấn công và khẳng định là nhằm trả đũa việc sát hại tù nhân Palestine. Theo các nhà phân tích, dù những căng thẳng hiện nay chưa tới mức khơi mào cho một cuộc nổi dậy lần thứ ba của người Palestine, song lại là cái cớ cho cả Israel và Palestine bảo vệ lập trường của mình trong chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Obama tới Trung Đông vào ngày 20/03 tới. Các quan chức Israel tại Bờ Tây hôm qua cũng thừa nhận, bạo lực sẽ còn tiếp diễn ít nhất là tới khi diễn ra chuyến thăm của Tổng thống Obama.
Bức tường an ninh chia cắt các vùng lãnh thổ Palestine (Ảnh Jamal Aruri) |
Trong bối cảnh này cả Israel và Palestine đều không ngừng đổ lỗi cho nhau. Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Palestine, Mahmud Abbas đã cáo buộc Israel đang tìm cách đẩy người Palestine tới vực thẳm, đồng thời khẳng định “sẽ làm thất bại các kế hoạch” của quân chiếm đóng. Tổng thống Abbas cũng kêu gọi Israel thực hiện các bước đi nhằm xoa dịu căng thẳng trong khu vực.
Ông Abbas nhấn mạnh rằng: “Các cuộc biểu tình diễn ra để phản đối các cuộc tấn công. Nếu không có các cuộc tấn công và nếu các tù nhân không bị giam giữ, thì đã không có các cuộc biểu tình. Israel cần ngừng tất cả những hành động này, để mọi thứ lắng dịu trở lại. Chúng tôi không muốn bạo lực leo thang. Chúng tôi muốn đạt được một giải pháp hoà bình được xây dựng trên cơ sở luật pháp quốc tế".
Trong khi đó, chính phủ Israel lại tuyên bố, nước này chờ đợi chính quyền Palestine hành động có trách nhiệm để ngăn cản các hành vi khiêu khích và bạo lực nhằm tránh nguy cơ leo thang. Cũng theo ông này, đã đến lúc ban lãnh đạo Palestine chấm dứt tẩy chay các cuộc hòa đàm và quay trở lại bàn đàm phán. Quân đội nước này đã nhận được lệnh “kiềm chế tối đa” nhằm giảm nguy cơ có thêm người Palestine thiệt mạng mà theo họ là có thể trở thành cái cớ để phát động bạo lực.
Tới nay, Tổng thống Mamoud Abbas vẫn giữ lập trường chỉ đàm phán chừng nào Israel chấm dứt việc xây dựng nhà định cư bất hợp pháp tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng, thừa nhận các đường biên giới trước năm 1967 và thả tự do cho các tù nhân Palestine. Song, chính phủ Israel bác bỏ những yêu cầu này và cho rằng muốn đàm phán mà không có điều kiện tiên quyết nào. Các quan chức an ninh Israel khẳng định, các cuộc biểu tình của người Palestine là nhằm đưa cuộc xung đột Israel-Palestine trở thành tâm điểm chuyến thăm Trung Đông sắp tới của Tổng thống Mỹ Obama. Trong bối cảnh này, Tổng thống Obama đã kêu gọi các bên kiềm chế và chấm dứt các tuyên bố gây căng thẳng. Theo chính quyền Mỹ, tiến trình hòa bình Trung Ðông đang bước vào giai đoạn quan trọng, đòi hỏi cả Palestine và Israel phải có các động thái hợp tác mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa nhằm hướng tới một nền hòa bình bền vững cho cả hai bên./.