Ngày 9/8, Quốc hội khóa mới của Libya bầu ông Mohammed Magarief, lãnh đạo đảng Mặt trận Cứu quốc Libya làm Chủ tịch, một ngày sau khi Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho Quốc hội.

Dù được đánh giá là những bước đi tích cực trong lộ trình tiến tới dân chủ tại Libi, song các nhà phân tích cho rằng, đây mới chỉ là điểm khởi đầu, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước.

Libya-2.jpg

Các tân nghị sĩ Quốc hội Libya đọc tuyên thệ trong buổi lễ chuyển giao quyền lực ngày 9/8 (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc bỏ phiếu được truyền hình trực tiếp, ông Magarief - lãnh đạo đảng Mặt trận Cứu quốc Libya, gồm các nhân vật lưu vong chống chính quyền của cố nhà lãnh đạo Gaddafi, đã giành được 113 phiếu ủng hộ, so với 85 phiếu của ứng cử viên độc lập Ali Didan theo đường lối tự do.

Ông Magarief vốn được biết tới là nhân vật kiên quyết chống đối chế độ bị lật đổ của ông Gaddafi và được coi là có quan điểm thân Hồi giáo.

Quốc hội mới của quốc gia Bắc Phi này có nhiệm vụ chỉ định Thủ tướng, thông qua các luật và đưa Libya tới các cuộc tổng tuyển cử sau khi một bản hiến pháp mới được soạn thảo vào năm tới.

Trước đó, Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc Libya (NTC) ngày 8/8 đã chuyển giao quyền lực cho Quốc hội mới, trong một động thái mang tính “biểu tượng” đánh dấu một quá trình chuyển tiếp hòa bình sau khi chế độ của ông Gaddafi bị lật đổ năm 2011.

Dù được xem là Quốc hội đầu tiên được bầu một cách tự do, công bằng trong nhiều thập kỷ qua tại Libya, song theo các nhà phân tích, thách thức đặt ra với Quốc hội mới là không nhỏ. Tình trạng bạo lực diễn ra thường xuyên trong thời gian chuẩn bị cho quá trình chuyển giao không những phản ánh sự bất ổn về an ninh, mà còn cho thấy sự bất đồng sâu sắc trong nội bộ quốc gia này.

Thủ tướng Libya Al Keeb cho biết: “Chính phủ chuyển tiếp đã tiến hành một số biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh. Hy vọng Quốc hội mới sẽ tiếp tục nhiệm vụ này nhằm tăng cường an ninh và trật tự đất nước, mà trước hết là thu hồi vũ khí.”

Theo ông Ali Abdul -đại biểu Quốc hội, một trong những công việc khẩn cấp hiện nay là đảm bảo an ninh và thu gom vũ khí, đồng thời tránh không gây đối đầu với các lực lượng mà tới nay vẫn không chịu hạ vũ khí mặc dù ông Gaddafi đã bị lật đổ.

Ông Ali Abdul nói: “Giai đoạn sắp tới là khá nhạy cảm, với nhiều rào cản và thách thức. Song Chủ tịch Quốc hội sẽ đủ khả năng vượt qua giai đoạn này. Chúng tôi hi vọng tất cả các bên sẽ hỗ trợ ông Magarief, cũng như tiếp tục bầu các nhà lãnh đạo một cách tự do và công bằng”.

Thực tế cho thấy, tình hình an ninh tại Libya vẫn rất đáng lo ngại. Nhiều  nhà phân tích thậm chí còn cảnh báo nguy cơ Libya bị chia rẽ. Sự bất đồng và cuộc tranh giành quyền lực mới giữa các phe phái sau cuộc khủng hoảng năm ngoái đang làm cho hành trình hướng tới nền dân chủ của Libya vẫn rất xa vời. Đó là chưa kể các thành viên gia đình ông Gaddafi và các quan chức chế độ cũ đang dùng số tài sản khổng lồ tuồn ra nước ngoài để kích động bất ổn trong nước.

Hơn nữa, những thách thức mà Libya phải đối mặt không chỉ bó hẹp trong bối cảnh chia rẽ chính trị sâu sắc và tình trạng quân sự hóa cao độ của các nhóm cư dân. Một thách thức không nhỏ khác là việc xây dựng một xã hội dân sự “từ đống tro tàn” của tình trạng bị cô lập kéo dài và của những mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ hàng thế kỷ. Chính vì thế, Libya vẫn giống như một thùng thuốc súng có thể phát nổ bất cứ lúc nào./.