Ngày 21/4, báo chí Thái Lan tập trung đưa tin về diễn biến của tiến trình bầu cử Hạ viện, vì ngày mai (22/4), Ủy ban bầu cử Thái Lan sẽ họp với các chính đảng của nước này nhằm thống nhất một lộ trình bầu cử phù hợp. Tuy nhiên, dư luận Thái Lan còn lo ngại tiến trình bầu cử Hạ viện sẽ vẫn tiếp tục gặp nhiều trắc trở.
Cử tri Thái Lan bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hôm 2/2 (Ảnh: AFP) |
Theo thông tin mới nhất, trong cuộc họp với Ủy ban bầu cử vào ngày mai (22/4), sẽ có sự tham dự của lãnh đạo 64 chính đảng ở Thái Lan, trong đó có Chủ tịch đảng Vì nước Thái cầm quyền Charupong và Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập Abhisit.
Ông Somchai, Ủy viên Ủy ban bầu cử cho biết, Ủy ban dự kiến sau cuộc họp này, sẽ tiến hành họp với Chính phủ tạm quyền vào ngày 30/4 để thống nhất việc Chính phủ đệ trình Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn sắc lệnh bầu cử bổ sung, sau đó cuộc bầu cử Hạ viện sẽ được tiến hành, sớm nhất là vào ngày 20/7, tức là trong vòng 60 ngày kể từ khi sắc lệnh nêu trên có hiệu lực.
Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử sẽ dành thời gian cho các chính đảng thảo luận về việc nên tiến hành bầu cử Hạ viện trong vòng 90 ngày, 120 ngày hay 150 ngày. Ông Somchai cũng lưu ý rằng, các phe phái cần phải thương lượng với nhau để tạo bầu không khí hòa bình cho tiến trình bầu cử, vì nếu bị người biểu tình ngăn cản thì cuộc bầu cử Hạ viện sẽ khó diễn ra suôn sẻ.
Đáng chú ý là, trước cuộc họp giữa Ủy ban bầu cử với các chính đảng Thái Lan, lập trường của đảng Vì nước Thái và đảng Dân chủ đối lập vẫn có nhiều khác biệt. Lãnh đạo đảng Vì nước Thái đề nghị Ủy ban bầu cử cần thúc đẩy nhanh tiến trình tổ chức bầu cử Hạ viện, có thể vào ngày 15/6.
Đảng Vì nước Thái cũng thể hiện thiện chí, sẵn sàng cho cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới nhằm thành lập một Chính phủ làm nhiệm vụ cải cách trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó tiến hành bầu cử Hạ viện mới. Nhiều chính đảng nhỏ cũng ủng hộ việc sớm tổ chức bầu cử để khôi phục ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của Thái Lan.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập cho biết, đảng này chỉ tham gia cuộc bầu cử Hạ viện, nếu đó là cuộc bầu cử thực sự trong sạch, công bằng và không có bạo lực, đồng thời nhấn mạnh các điều kiện này vẫn chưa xuất hiện. Đặc biệt, nhà lãnh đạo biểu tình Suthep đã tái khẳng định phải "cải cách trước rồi mới bầu cử"; đồng thời nhấn mạnh người biểu tình sẽ phản đối cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới. Động thái trên của phe đối lập cho thấy có nhiều khả năng đảng Dân chủ đối lập sẽ tiếp tục tẩy chay bầu cử.
Trong khi đó, đa số dư luận chính giới và xã hội Thái Lan lo ngại rằng vào khoảng cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, Tòa án Hiến pháp Thái Lan có thể ra phán quyết bãi nhiệm Thủ tướng Yingluck Shinawatra và cả Chính phủ tạm quyền của nước này, mở đường cho việc thành lập một Chính phủ "trung lập" không qua bầu cử. Nếu "kịch bản" này trở thành hiện thực, thì tiến trình bầu cử Hạ viện ở Thái Lan vẫn chỉ như một dự án có quy hoạch "treo", thiếu tính khả thi và chưa biết đến khi nào mới được khai thông.
Mặc dù vậy, dư luận Thái Lan vẫn hy vọng, sức ép của các lực lượng ủng hộ dân chủ và khu vực kinh doanh đang gia tăng, có thể sẽ buộc các phe phái trên chính trường Thái Lan phải chấp nhận thỏa hiệp và lựa chọn giải pháp an toàn, hòa bình nhất là "bầu cử kèm theo lộ trình cải cách", nhằm giúp Thái Lan thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay để tiếp tục phát triển./.