Đài truyền hìnhSVTcủa Thụy Điển dẫn nguồn tin cảnh sát thông báo đã bắt giữ một đối tượng được cho là có mối liên hệ với kẻ bị bắt giữ đầu tiên tại khu ngoại ô Hjulsta, miền Bắc nước này. 

hien_truong_keqh.jpg
Hiện trường vụ tấn công khủng bố tại Thụy Điển. Ảnh: AP

Trước đó, cảnh sát Thụy Điển cho biết họ đã xác định danh tính đối tượng bị bắt giữ tại một khu ngoại ô khác ở thủ đô Stockholm giống với mô tả và bức ảnh chụp lại nghi can mà cảnh sát công bố sau vụ tấn công bằng xe tải.

Ồng Jan Evensson, trợ lý tư lệnh cảnh sát Thụy Điển cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra mội số người ngay sau khi xảy ra vụ tấn công và bắt giữ 1 người sau đó. Như cục cảnh sát đã nói, chúng tôi đã cung cấp thông tin và bức ảnh của người mà chúng tôi cho là nghi can. Người bị bắt có mô tả giống với bức ảnh.

Hiện chúng tôi đang tiếp tục điều tra thêm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không giảm cường độ làm việc mà ngược lại sẽ tăng cường điều tra theo nhiều hướng để đi đến kết luận cuối cùng. Chúng tôi đề nghị người dân hạn chế tới Stockholm trừ trường hợp cần thiết”.

Ngay sau vụ tấn công, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đã chỉ thị lực lượng chức năng siết chặt an ninh biên giới. Tại thủ đô Stockholm, hệ thống tàu điện ngầm đã có thể nối lại hoạt động, trong khi đó dịch vụ xe buýt tại khu vực trung tâm thủ đô vẫn phải tạm dừng hoạt động.

Sau vụ tấn công ở Thụy Điển, cảnh sát tại các thành phố lớn nhất Na Uy và sân bay thủ đô Oslo của nước này đã bắt đầu mang theo vũ khí. Theo thông báo chính thức trên trang Twitter, lực lượng cảnh sát sẽ mang súng, điều không thường thấy ở quốc gia này, cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Trong khi đó, tại Phần Lan, cảnh sát đã tăng cường tuần tra ở thủ đô Helsinki. Cảnh sát cũng hạn chế giao thông qua lại tại cây cầu Oresund nối Thụy Điển và Đan Mạch.

Vụ tấn công ở Stockholm là vụ mới nhất theo hình thức lao xe tải vào đám đông ở châu Âu. Hồi tháng 7/2016, một kẻ tấn công đã lao xe vào đám đông xem pháo hoa dịp Quốc khánh ở thành phố Nice của Pháp, làm 84 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.

Tháng 12/2016, một vụ đâm xe tải tại chợ Giáng sinh ở Berlin, Đức đã làm 12 người thiệt mạng. Gần đây nhất, chiều 22/3, một vụ tấn công tương tự đã xảy ra bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh, làm 4 người thiệt mạng và 50 người bị thương.

Hiện vẫn chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công và các nhà điều tra Thụy Điển cũng chưa đề cập đến việc nó có liên quan đến tổ chức khủng bố hay các nhóm Hồi giáo cực đoan nào hay không.

Trong cả hai vụ đâm xe vào đám đông ở Pháp và Đức, IS đều lên tiếng nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, năm 2010, tổ chức al-Qaeda cũng từng kêu gọi sử dụng xe tải như một loại vũ khí tấn công nhằm vào đám đông./.