Sáng nay (theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật Quyền đàm phán nhanh (TPA) với 62 phiếu thuận và 37 phiếu chống.
Lãnh đạo đảng Cộng Hòa Mitch McConnell tán thành TPA vì muốn đẩy nhanh Hiệp định TPP (ảnh: AP) |
Thượng viện Mỹ đã có những cuộc tranh luận “nảy lửa” về Dự luật Quyền đàm phán nhanh, công cụ cho phép chính phủ Mỹ đệ trình lên Quốc hội các thỏa thuận thương mại mà cơ quan lập pháp tối cao chỉ có thể phê chuẩn hoặc bác bỏ, chứ không có quyền sửa đổi.
Dự luật Quyền đàm phán nhanh được xem là một điều kiện thiết yếu để có thể kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, do các nước tham gia đều không muốn đưa ra những nhượng bộ đầy khó khăn để rồi sau đó lại bị Quốc hội Mỹ thay đổi. Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman từng tuyên bố Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ được hoàn tất vào năm 2013 nhưng việc Tổng thống Obama chưa được trao Dự luật Quyền đàm phán nhanh đã khiến quá trình đàm phán phải kéo dài.
Dù đã được Thượng viện phê chuẩn, Dự luật Quyền đàm phán nhanh còn phải vượt qua cửa ải Hạ viện, một thách thức được cho là còn lớn gấp bội. Trong khi hầu hết các nghị sỹ Cộng hòa ủng hộ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương thì phần lớn các nghị sỹ Dân chủ lại phản đối hiệp định này khi lo ngại rằng một khu vực tự do thương mại chiếm tới 30% thương mại và 40% kinh tế toàn cầu sẽ chỉ mang lại lợi ích cho các công ty đa quốc gia. Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn Mỹ cũng lo ngại nhiều người lao động trong nước sẽ mất việc do các công ty Mỹ sẽ tìm nguồn nhân công giá rẻ ở nước ngoài.
Đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đang được tiến hành với sự tham gia của 12 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Nếu Dự luật Quyền đàm phán nhanh được Hạ viện Mỹ phê chuẩn thì có khả năng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, một trong những thỏa thuận thương mại có tiến trình đàm phán dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 6 tới. Quyền đàm phán nhanh có hiệu lực trong vòng 6 năm, do vậy Tổng thống Mỹ cũng có thể sử dụng quyền hạn này trong đàm phán Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương với 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU)./.