Đây là cuộc gặp được dư luận quan tâm, với hy vọng ông Trump sẽ có các tuyên bố thể hiện rõ lập trường về một loạt các vấn đề quan trọng như hạt nhân Iran, cuộc chiến Syria, đặc biệt là cuộc xung đột Israel-Palestine.

trump_netanyahu_eoaz.jpg
Tổng thống Donald Trump (phải) và Thủ tướng Netanyahu vẫn chưa đạt được tiếng nói chung về vấn đề hòa bình Trung Đông. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, so với các tuyên bố mạnh mẽ của mình trong chiến dịch tranh cử, thì những điều mà người lãnh đạo Nhà Trắng đề cập trong cuộc gặp này không mang lại nhiều hy vọng cho triển vọng hòa bình Trung Đông.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp báo chung, ông Trump khẳng định, cả người Israel và Palestine - hai bên trong tiến trình hòa bình Trung Đông, cần phải thỏa hiệp.

Theo Tổng thống Mỹ, ông sẽ nỗ lực để mang lại hòa bình cho cả Israel và Palestine, song sẽ tùy thuộc vào các bên liên quan để đạt được một thỏa thuận hòa bình chung cuộc. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng hối thúc Israel hạn chế hoạt động tái định cư.

“Mỹ sẽ khuyến khích hướng đến một thỏa thuận hòa bình thực sự và chúng tôi sẽ nỗ lực về điều này. Điều này rất quan trọng với tôi và đó là điều chúng tôi mong muốn thực hiện. Tuy nhiên điều quan trọng đó là các bên phải đàm phán trực tiếp cùng nhau về một thỏa thuận. Chúng tôi sẽ hợp tác với họ. Để bất cứ một cuộc đàm phán nào thành công , cả hai bên sẽ phải có thỏa hiệp”, ông Trump nói.

Sau 8 năm căng thẳng với chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, nhà lãnh đạo Israel hy vọng cuộc gặp này là cơ hội để cải thiện mối quan hệ với Tổng thống mới của Mỹ, khi ông Trump luôn đưa ra những cam kết ủng hộ Israel trong chiến dịch tranh cử. Phát biểu sau cuộc gặp, Thủ tướng Netanyahu cho biết, mối quan hệ Mỹ-Israel đang rất vững mạnh.

“Chúng tôi đã có cuộc gặp tích cực thảo luận nhiều vấn đề. Tôi xin nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh Mỹ-Israel đang mạnh hơn bao giờ hết và sẽ còn tốt hơn nữa. Chúng tôi sẽ tìm được lập trường chung trong vấn đề theo đuổi hòa bình và an ninh”, ông Netanyahu nói.

Một trong những nội dung được báo chí quan tâm nhiều trong cuộc họp báo chung của hai nhà lãnh đạo đó là tương lai của giải pháp hai nhà nước- ý tưởng hình thành một nhà nước Palestine sống hòa bình bên cạnh Israel.

Tuy nhiên  tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Trump không đề cập trực tiếp đến giải pháp 2 nhà nước. Việc ông Trump tránh đề cập đến việc ủng hộ giải pháp hai nhà nước sẽ đảo ngược chính sách lâu nay của Mỹ, khi không chỉ chính quyền Đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ mà những nỗ lực quốc tế đều coi đây là cốt lõi cho hòa bình Trung Đông. '

Trong khi đó, báo hiệu sự thay đổi chính sách về Trung Đông, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho rằng, hòa bình không nhất thiết phải đòi hỏi hướng đến việc thành lập một nhà nước Palestine.

Trước những tuyên bố này của Mỹ, Palestine ngày 15/2 cảnh báo bước đi này sẽ  gây tổn hại uy tín của Mỹ. Tổng Thư ký Tổ chức giải phóng Palestine Saeb Erekat cho rằng, việc thay đổi lập trường về giải pháp hai nhà nước sẽ là một thảm họa đối với Israel và Palestine.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hối thúc không nên từ bỏ ý tưởng giải pháp hai nhà nước và cho rằng sẽ không có lựa chọn nào khác thay thế. Nhiều người dân Palestine và Israel cũng bày tỏ không mấy lạc quan về triển vọng hòa bình Trung Đông sau cuộc gặp thượng đỉnh Israel và Mỹ.

Họ cho rằng, mặc dù cam kết theo đuổi hòa bình giữa hai bên nhưng Tổng thống Mỹ không đưa ra bất cứ giải pháp nào để phá vỡ thế bế tắc của các cuộc đàm phán song phương từ năm 2014, hay hướng đến một thỏa thuận mà nhiều các chính phủ tiền nhiệm tại Mỹ không thể thực hiện. 

Theo giới quan sát, chưa có bất cứ một sáng kiến ngoại giao mới rõ ràng nào cho hòa bình Trung Đông. Chính quyền của Tổng thống Trump có thể đang thận trọng, “thăm dò” liệu các đồng minh Arab của Mỹ có thể hợp tác trong bất cứ chính sách ngoại giao tương lai nào về hòa bình Trung Đông hay không.

Ngoài ra, bất cứ một lập trường nào của Mỹ thể hiện giảm sự ủng hộ đối với việc thành lập một nhà nước Palestine cũng có thể khiến thế giới Hồi giáo tức giận./.