Ông Netanyahu không còn được ưa chuộng
Theo AP, rất nhiều người Israel đã cảm thấy thất vọng về các cuộc đàm phán hòa bình với người Palestine và giờ đang muốn “chĩa mũi dùi” vào những vụ bê bối, lối sống xa hoa và cá tính “không mấy dễ chịu” của ông Netanyahu.
Và bởi khó có ứng cử viên nào có thể giành chiến thắng áp đảo trong bối cảnh hỗn loạn về chính trị hiện nay tại Israel, cuộc bầu cử ngày 17/3 (giờ địa phương) có thể buộc ông Netanyahu phải liên minh với chính đối thủ của mình là Isaac Herzog.
Thế giới đã đổi thay rất nhiều kể từ khi ông Netanyahu là Thủ tướng nhiệm kỳ đầu vào năm 1996, mặc dù vậy Israel vẫn đang bế tắc trước câu hỏi về việc phải làm gì với vùng đất vừa có tính chiến lược về địa lý, vừa có tầm quan trọng đặc biệt về tôn giáo mà họ chiếm được của người Palestine nửa thế kỷ trước.
Người dân Israel hiểu rằng, đây là vấn đề sống còn của mình. Tuy nhiên, đối với họ, việc này dường như không thể giải quyết được sau hàng thập niên đối thoại với Palestine của rất nhiều đời lãnh đạo Israel.
Giờ đây vấn đề này đã trở thành một điều “nhức nhối” đối với người dân Israel khiến các chính trị gia không muốn đề cập đến với lo ngại các cử tri sẽ dồn phiếu cho đối thủ của mình.
Trước đó, khi ông kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử sớm vào tháng 11/2014, ông Netanyahu dường như là kẻ “bất khả chiến bại”. Tuy nhiên, mọi sự sau đó đã không còn như toan tính của ông.
Những bài phát biểu hùng hồn cùng những lời lẽ cứng rắn của ông đối với Iran và Palestine tại Mỹ đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc ngay tại Israel, nơi ông đã làm Thủ tướng được 9 năm (1996-1999 và 2009-nay).
Đáng chú ý nhất chính là tuyên bố của ông trước Quốc hội Mỹ trong tuần qua trong đó thúc giục Mỹ cần phải có những biện pháp cứng rắn hơn nữa đối với chương trình hạt nhân của Iran.
Điều này có thể giúp ông “ăn điểm” trước một số người Israel nhưng lại khiến nhiều người nghi ngờ đây là chiêu trò của ông Netanyahu.
Các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Likud theo đường lối dân tộc chủ nghĩa của ông đang yếu thế hơn so với Công đảng (trước đây có tên gọi là Liên minh Do thái Phục quốc) của ông Herzog.
Và trong trường hợp ông Herzog, một người có tiếng là mềm mỏng, lên nắm quyền, chính sách của Israel sẽ thay đổi bởi ông Herzog là người chủ trương hòa giải giữa Israel và Palestine và chấm dứt việc chiếm đóng vùng đất mà Israel chiếm giữ sau cuộc chiến tranh năm 1967.
Chia rẽ trong các đảng phái tại Israel
Bất chấp việc được coi là rất có tinh thần đoàn kết, người dân Israel hiện nay đang chia năm xẻ bảy trong nhiều vấn đề và điều này được thể hiện rất rõ trong chính Quốc hội của nước này.
Ngay cả khi liên minh với nhau, hai chính đảng lớn tại Israel cũng khó có thể giành được 50% tổng số phiếu bầu. Không những thế, người dân Israel lại rất phân tán khi những người nói tiếng Nga thì muốn bầu cho một đảng mang tính dân tộc chủ nghĩa trong khi nhiều người mang tư tưởng tự do lại muốn bầu cho một đảng khác và tầng lớp trung lưu tại đây lại chia ra bầu cho hai đảng khác nhau.
Trong 1/5 dân số là người Arab tại Israel cũng có sự chia rẽ khi lựa chọn tham gia vào các đảng phái khác nhau.
Ngoài ra, tại Israel còn có tới 4 đảng phái mang màu sắc tôn giáo dành cho những người Do Thái gốc châu Âu và gốc Trung Đông cũng như những người theo chủ nghĩa dân tộc theo nhiều mức độ khác nhau.
Sự chia rẽ này là hoàn toàn có thật và đẩy Israel đi chệch hướng bởi những tham vọng của từng ứng cử viên khác nhau. Các cuộc tranh luận trên truyền hình, nếu không phải là của ông Netanyahu và ông Herzog, sẽ chủ yếu là các cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai đối thủ dẫn đến việc cáo buộc lẫn nhau là phát xít, phân biệt chủng tộc và thậm chí là phản quốc.
Người nắm giữa sinh mệnh chính trị của Israel
Dù có nhiều chia rẽ như vậy, cuộc bầu cử lần này vẫn chủ yếu là cuộc chạy đua giữa hai khối cánh tả và cánh hữu tại Israel trong đó các đảng phái của người Arab sẽ liên minh với nhóm cánh tả yêu chuộng hòa bình trong khi các đảng phái mang màu sắc tôn giáo sẽ liên minh với các đảng theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu. Và nếu bất kỳ đảng phái nào giành được 61 ghế trong Quốc hội thì đảng lớn nhất trong liên minh đó sẽ lên nắm quyền.
Tuy nhiên, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua, đã có một đảng không muốn liên minh với bất kỳ đảng nào. Đó là Đảng Kulanu do ông Moshe Kahlon, một người Do Thái gốc Lybia lãnh đạo, sau khi tách khỏi Đảng Likud.
Ông Kahlon hiện đang giành được nhiều sự ủng hộ của người dân bằng việc cắt giảm cước phí điện thoại di động và đã từng tuyên bố sẽ liên minh với bất kỳ đảng nào chấp nhận để ông làm Bộ trưởng Tài chính. Ông cũng cam kết sẽ giảm mức chi phí sinh hoạt của người dân và hầu như không đề cập đến vấn đề Palestine.
Hiện, ông Kahlon được cho là nhân tố nắm giữ sinh mạng chính trị của 2 khối liên minh nói trên bởi ông nhiều khả năng sẽ chiếm được 10 ghế trong Quốc hội trong khi 2 khối còn lại chia sẻ 51 ghế.
Có thể thành lập một chính phủ thống nhất?
Với việc các cử tri vẫn còn đang băn khoăn và chia rẽ trong việc cần bỏ phiếu cho ai cũng như việc cả ông Netanyahu và ông Herzog khó có khả năng giành chiến thắng áp đảo, một giải pháp được nhiều người mong đợi là cả hai sẽ liên minh thành lập một chính phủ thống nhất.
Theo đó, ông Netanyahu và ông Herzog có thể thỏa thuận về việc cả hai sẽ luân phiên làm Thủ tướng dựa trên việc đảng của bên nào sẽ giành ưu thế trong Quốc hội tại từng thời điểm cụ thể.
Điều này đã từng xảy ra vào năm 1984 sau khi Công đảng của ông Shimon Peres và Đảng Likud của ông Yitzhak Shamir đã từng chấp nhận liên minh với nhau và chấp nhận đổi vị trí cho nhau dù “không dễ dàng gì”./.