Ngoài chương trình nghị sự đầy khó khăn, với một loạt chủ đề nóng từ thương mại, chương trình hạt nhân Iran đến cháy rừng lan rộng ở khu vực Amazon, các cuộc gặp song phương bên lề sự kiện thường niên này cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

macron_trump_oukc.jpg
Tổng thống Macron (trái) và Tổng thống Trump. Ảnh: The Atlantic.

Mở màn cho chuỗi các cuộc gặp song phương trong ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất (G7) là cuộc gặp giữa Tổng thống nước chủ nhà Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là một phần quan trọng trong nỗ lực của nhà lãnh đạo Pháp nhằm tránh kịch bản cũ lặp lại, khi nhà lãnh đạo Mỹ vào phút chót quyết định không ký vào tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi năm ngoái tại Canada.

Mở đầu cuộc gặp, Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh, G7 đang trong một giai đoạn mất ổn định nghiêm trọng về nhiều chủ đề, đặc biệt là cuộc xung đột Syria, thỏa thuận hạt nhân Iran hay mới đây nhất là thương mại. Đây đều là những vấn đề gây chia rẽ hiện nay giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Ngay trước khi tới Pháp, Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ áp mức thuế lớn đối với rượu vang Pháp nhằm đáp trả kế hoạch đánh thuế của nước này nhằm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Tuy nhiên khác xa với những tuyên bố có phần cứng rắn trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ hôm qua nhấn mạnh tới mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước: “Giữa tôi và nhà lãnh đạo Pháp thực sự có rất nhiều điểm chung. Chúng tôi đã là bạn trong một thời gian dài. Chúng tôi có một mối quan hệ rất tốt và có thể nói một mối quan hệ đặc biệt. Mọi thứ đều đang diễn ra rất thuận lợi, thời tiết hoàn hảo, những vị khách thì rất tuyệt vời, bầu không khí hòa thuận. Tôi nghĩ chúng ta sẽ hoàn thành được nhiều việc trong tuần này và tôi rất mong chờ.”

Một cuộc gặp đáng chú ý khác là giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Donald Trump. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Boris Johnson trở thành người đứng đầu Chính phủ Anh hồi đầu tháng 7 vừa qua.

Theo truyền thông quốc tế, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ “chọc giận” các nhà lãnh đạo Pháp và Đức bằng việc ủng hộ thẳng thắn việc Anh rời EU vào ngày 31/10 tới dù không có thỏa thuận. Tuy nhiên, cuộc gặp này cũng là khó đoán định, bởi cũng giống như nhà lãnh đạo Mỹ, nhà lãnh đạo Anh cũng thường có những quyết định “gây bất ngờ”. Minh chứng rõ nhất là ngay ngày hôm qua, Thủ tướng Anh đã mạnh mẽ kêu gọi Mỹ xóa bỏ các rào cản thương mại, cho rằng những rào cản này có thể đe dọa thỏa thuận thương mại tự do song phương sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

Ông Johnson: “Đến với G7 năm nay, chúng tôi có 3 ưu tiên và cũng là những vấn đề quan trọng không chỉ đối với nước Anh, mà cả thế giới. Một trong số đó là vấn đề thương mại toàn cầu. Tôi rất lo ngại về sự gia tăng của xu hướng bảo hộ, thuế quan... Anh luôn được biết đến là một quốc gia cởi mở và ủng hộ tự do thương mại. Theo tôi, điều này cũng tốt cho thế giới”.

Từ một cuộc hội ngộ vui vẻ giữa các nước thành viên, Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới đang trở thành nơi chứng kiến sự chia rẽ nội bộ ngày càng sâu sắc. Có lẽ không nhà lãnh đạo G7 nào có thể quên được hình ảnh tại cuộc gặp hồi năm ngoái ở Canada khi Tổng thống Donald Trump khoanh tay một mình ngồi đối diện với lãnh đạo các nước thành viên còn lại. Hình ảnh này khi đó đã được coi là một biểu tượng của sự chia rẽ sâu sắc và cũng là khởi nguồn cho cụm từ “G6+1”.  

Đây cũng chính là lý do khiến nhà lãnh đạo Pháp phải “phòng xa” khi thay vì đàm phán về một tuyên bố chung, G7 năm nay sẽ cố gắng thúc đẩy liên minh giữa các quốc gia có thiện chí, với việc mời thêm các nước khác như Ấn Độ hay Iran. Dẫy vậy các nước G7 cũng ý thức được một thực tế rằng nếu như cách đây 3 thập kỷ, G7 chiếm tới 70% GDP của cả thế giới thì hiện nay con số này chỉ còn là 40%, trong khi sức mạnh ngoại giao cũng đang bị suy yếu. Hợp tác và cởi mở vẫn là kim chỉ nam cho G7, cũng như cho Hội nghị thượng đỉnh năm nay tại Pháp./.