Hôm qua (28/5), Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neil thông báo thông báo quyết định từ chức, sau khi không có sự ủng hộ của Quốc hội và đối diện với tình trạng một loạt quan chức cấp cao rời nội các. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị kéo dài nhiều tuần qua tại quốc đảo Nam Thái Bình Dương.

image4_ecfk.jpg
Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neil. Ảnh: Devpolicy.

Phát biểu tại Quốc hội ở thủ đô Port Moresby, Thủ tướng O’Neil nêu rõ, ông đã gửi đơn xin từ chức tới ngài Toàn quyền và trao vị trí lãnh đạo chính phủ cho cựu Thủ tướng Julius Chan.

"Tất cả những điều tốt đẹp kết thúc và nghĩa vụ của chúng ta là làm việc vì lợi ích của người dân. Tôi có vinh dự được phục vụ quốc gia này và lãnh đạo quốc gia này trong suốt gần 8 năm qua. Thật đáng tiếc rằng chính trị Papua New Guinea giờ đây lại diễn ra theo cách này. Điều quan trọng là chúng ta cần duy trì sự ổn định chính trị để có thể tiếp tục duy trì sự thống nhất xã hội trong nước. Việc cần thiết là tôi phải rời bỏ chiếc ghế này để trao cho ông  Julius Chan, một trong những nhà lãnh đạo kỳ cựu của đất nước chúng ta", ông O’Neil  nói.

Tuyên bố này cũng đã nhận được sự ủng hộ cao từ phía Quốc hội Papua New Guinea. Nếu đơn từ chức của ông O’Neil được thông qua, Quốc hội Papua New Guinea sẽ tiến hành bỏ phiếu trong ngày mai (30/5) để bầu ra lãnh đạo mới.

Chủ tịch quốc hội Job Pomat cho biết:“Trong phiên họp quốc hội vào ngày mai (30/5), chúng ta sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu thủ tướng vào lúc 10h sáng”.

Theo các nguồn thạo tin, phe đối lập, tự nhận là “chính phủ thay thế”, tuyên bố đã có được 63 ghế tại Quốc hội, đủ để chiếm thế đa số và giành quyền lựa chọn Thủ tướng mới. Hôm qua (28/5), phe đối lập cho biết đã lựa chọn thủ lĩnh đảng Liên minh quốc gia Patrick Pruaitch làm Thủ tướng mới.

Tuyên bố từ chức của Thủ tướng O’Neil diễn  ra trong bối cảnh Papua New Guinea đang chìm trong một cuộc khủng hoảng chính trị mới, khi ít nhất 9 thành viên trong nội các cũ của ông O’Neil đã rời nhiệm sở chỉ trong một tuần qua nhằm phản đối các chính sách của ông.

Trước đó, người đứng đầu nội các Papua New Guinea từng hứng chịu búa rìu dư luận khi thông qua dự án khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng trị giá 13 tỷ USD với tập đoàn dầu khí Total của Pháp và tập đoàn ExxonMobil của Mỹ hồi tháng 4/2018. Dự án này dự kiến tăng gần gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu của Papua New Guinea, trong khi các cộng đồng địa phương phản ánh không được hưởng lợi từ những thỏa thuận tương tự trước đây.

Thủ tướng O’Neil từng cố trì hoãn việc đệ đơn từ chức lên Toàn quyền nước này, cũng như thực thi hành động pháp lý nhằm ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà Thủ tướng O’Neil cho là nhằm lật đổ ông. Song đến hôm 26/5 vừa qua, ông đã phải cam kết sẽ từ chức để tránh nguy cơ chính phủ bị lật đổ, nếu có thêm một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội theo đề nghị của phe đối lập.

Các nhà phân tích cho rằng sự bất ổn chính trị trong nội các Papua New Guinea hiện nay có thể trì hoãn các dự án tài nguyên trong nước và kéo theo một cuộc khủng hoảng mới. Các công ty năng lượng lớn liên quan đến Papua New Guinea  cũng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến chính trị tại nước này./.