Hôm 15/12, Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapakse đã chính thức tuyên bố từ chứcsau khoảng 1 tháng rưỡi lên nắm quyền, mở đường cho một chính phủ mới được thành lập dưới sự điều hành của Tổng thống Maithripala Sirisena.

2650_msme.jpg
Thủ tướng Mahinda Rajapaksa. (Ảnh: AP)

Ông Rajapakse đã ký vào đơn từ chức tại tư dinh của ông ở Thủ đô Colombo. Ông đưa ra quyết định trên sau khi Tòa án Tối cao Sri Lanka ngày 13/12 ủng hộ phán quyết của Tòa án Thượng thẩm, tiếp tục ra lệnh treo quyền Thủ tướng của ông, đồng thời phong tỏa hoạt động của chính phủ do ông đứng đầu.

Trong một tuyên bố, ông Rajapakse đã nhấn mạnh, biện pháp tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay tại Sri Lanka, đó là phải thành lập một chính phủ mới dưới sự điều hành của Tổng thống Maithripala Sirisena.

Trước đó, 122 nghị sỹ Quốc hội Sri Lanka đã nộp đơn khiếu nại nêu rõ chính phủ của ông Rajapakse không thể tiếp tục hoạt động bởi đã không vượt qua được hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Trong khi đó, đảng Dân tộc Thống nhất của cựu Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tuyên bố, ông Wickremesinghe sẽ nhậm chức thủ tướng một lần nữa vào sáng 16/12 và nội các mới sẽ được chỉ định sau đó. 

Sri Lanka hiện đang bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng chính trị sau khi Tổng thống Maithripala Sirisena bất ngờ cách chức Thủ tướng của ông Wickremesinghe và bổ nhiệm ông Rajapakse. Ông Sirisena cũng kêu gọi bầu cử trước thời hạn vào tháng 01/2019. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Sirisena đã đình chỉ sắc lệnh giải tán Quốc hội của ông, đồng thời ra lệnh ngừng mọi công tác chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sớm. 

Ngày 12/12 vừa qua, Quốc hội Sri Lanka đã bỏ phiếu thông qua đề nghị phục chức Thủ tướng cho ông Wickremesinghe. Vào thời điểm đó, dù không vượt qua được hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, ông Rajapakse vẫn không chịu từ chức./.