Trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ- Triều đang có nhiều cải thiện, đặc biệt khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra, chuyến thăm nhằm khẳng định tiếng nói của Nhật Bản trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cũng như nhận được đảm bảo của Mỹ đối với an ninh của Nhật Bản trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.

trump__pohf.jpg
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết trong chuyến thăm, ông sẽ đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc tại Triều Tiên trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.

Nhật Bản cũng muốn Triều Tiên phải cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược; chấp nhận cho các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) vào thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này; và phá hủy kho vũ khí hóa học.

Trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều, chính quyền Nhật Bản là một trong những tiếng nói cứng rắn trong khu vực, luôn kêu gọi gia tăng sức ép nhằm vào Triều Tiên, đặc biệt sau khi Triều Tiên thử 2 tên lửa về phía đảo Hokkaid) của Nhật Bản. Tuy nhiên, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang có sự thay đổi nhanh chóng.

Tuần trước, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm Trung Quốc  và chuẩn bị có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in vào cuối tháng 4 này và khả năng là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 5 tới. Là một quốc gia có an ninh trực tiếp đối với Triều Tiên, dư luận Nhật Bản đang lo ngại nước này đang bị “đứng ngoài lề” trước những thay đổi hiện nay.

Báo Asahi Shimbun của Nhật Bản nhận định, dư luận lo ngại rằng Nhật Bản là nước duy nhất đang bị bỏ lại khi tình hình Đông Bắc Á đang có sự thay đổi nhanh chóng. Trấn an lo ngại của truyền thông Nhật Bản, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định, Nhật Bản và Triều Tiên đang đàm phán thông qua kênh khác nhau như Đại sứ quán tại Trung Quốc.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kano cũng khẳng định, Mỹ và Nhật Bản có sự đồng thuận cao về vấn đề Triều Tiên: “Tôi nghĩ Mỹ và Nhật Bản đồng quan điểm trong vấn đề Triều Tiên. Điều quan trọng đó là cộng đồng quốc tế nói chung cần phải gia tăng sức ép tối đa lên Triều Tiên cho đến khi Triều Tiên đưa ra các bước đi cụ thể hướng đến tiến trình phi hạt nhân hóa được xác minh và không thể đảo ngược”.

Trong chuyến thăm tới Mỹ lần này Thủ tướng Abe cũng muốn khẳng định vai trò và tiếng nói của Nhật Bản trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, với những đảm bảo từ phía Mỹ về an ninh của Nhật Bản, bao gồm điều kiện Triều Tiên phải từ bỏ tên lửa đạn đạo tầm trung.

Nhật Bản lo ngại rằng, nếu Mỹ và Triều Tiên đạt tiến bộ về từ bỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ, năng lực tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên vẫn có thể đặt ra mối đe dọa đối với Nhật Bản.

Một quan chức Chính phủ Nhật Bản thừa nhận "rất khó để buộc Triều Tiên chấp nhận mọi điều kiện mà Nhật Bản nêu ra, song vẫn cần đưa ra một đề nghị như vậy với Mỹ khi nói về quan hệ ngoại giao tương lai với Triều Tiên".

Truyền thông Nhật Bản trong tuần qua cũng cho biết, Nhật Bản đã thăm dò ý định của chính phủ Triều Tiên về một hội nghị thượng đỉnh song phương và Triều Tiên cũng đang cân nhắc đề xuất này./.