Với tư cách là nước chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản cho rằng sau Hội nghị 4 nước được tiến hành từ tháng 9/2021, trật tự thế giới có sự thay đổi. Trong tình hình đó, việc thể hiện quan điểm, lập trường bền vững trong tầm nhìn chung về Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở có  ý nghĩa vô cùng to lớn.

Nếu không cùng song hành với các nước khác thì cũng không có thành công của hợp tác 4 nước Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ. Bộ Tứ cần phải lắng nghe tiếng nói của các nước Đông Nam Á, của Nam Á, các nước khu vực đảo Thái Bình Dương… và tăng cường hợp tác vào hỗ trợ giải quyết các vấn đề mà khu vực đang đối diện.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, ngoài xung đột Nga - Ukraine, vấn đề hợp tác hướng tới thực hiện khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, biện pháp hợp tác ở nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế… sẽ được tập trung thảo luận.

Sau hội nghị, dự kiến một Tuyên bố chung sẽ được công bố trong đó xác nhận quan hệ bền vững của Nhật Bản, Mỹ, Australia, Ấn Độ đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, ủng hộ mạnh mẽ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ dựa trên tự do và luật pháp quốc tế, đồng thời có xu hướng duy trì nguyên tắc trên đối với cả các khu vực khác trên thế giới.

Với nguyên tắc đó và xét góc độ tình hình thực tế khu vực, cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các hành vi khiêu khích với an ninh hàng hải mà đầu tiên là việc mở rộng hoạt động của Trung Quốc tại khu vực hải dương.

Thống nhất tầm quan trọng của việc thực hiện phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, giải quyết vấn đề công dân bị bắt cóc, phê phán mạnh mẽ hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa mang lại sự bất ổn cho khu vực và thế giới.Ngoài ra, biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu, 4 nước cung cấp dữ liệu vệ tinh cho các nước… được thảo luận một cách kỹ càng./.