Trả lời phỏng vấn báo chí trước khi tới Osaka để chủ trì Hội nghị G20, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh rằng hội nghị G20 nỗ lực đưa ra những quan điểm đồng thuận chứ không phải đưa ra những ý kiến khác nhau. Với tư cách là nước chủ nhà, Nhật Bản mong muốn hội nghị G20 lần này sẽ thống nhất được ý kiến liên quan đến vấn đề tự do hóa thương mại, kinh tế số, môi trường…và nhiều vấn đề khác.

g20_vumf.jpeg
Logo G20 ở Nhật Bản.

Ông Abe cho rằng, trong sự biến đổi nhanh chóng do toàn cầu hóa, sự bất an và bất mãn đang phát sinh giữa từng nước với nhau. Vì vậy, cộng đồng quốc tế phải đoàn kết, hướng tới những chủ đề quan trọng, đưa ra được những thông điệp đủ mạnh để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Liên quan đến xung đột thương mại Mỹ-Trung, Thủ tướng Shinzo Abe hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết mạng tính xây dựng thông qua đối thoại.

Nhân dịp này, bên lề hội nghị, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có các cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối ngày 27/6, sáng 28/6 hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong hai cuộc gặp này, Nhật Bản mong muốn hợp tác trước mắt để tiến hành thành công hội nghị G20. Riêng cuộc gặp Tổng thống Nga Putin dự kiến tiến hành vào ngày 29/6, Nhật Bản mong muốn đàm phán cởi mở để có thể thực hiện các cuộc thương lượng hướng tới ký kết Hiệp ước hòa bình giữa hai nước.

Một cuộc gặp song phương được dư luận chú ý đó là cuộc gặp Nhật-Hàn. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại cuộc gặp này vẫn chưa có thông tin gì và nhiều khả năng sẽ không xảy ra.

Trong ngày hôm nay, các nhà lãnh đạo G20 và quốc gia, tổ chức khách mời lần lượt sẽ đến Osaka. Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dự kiến chiều nay sẽ tới Osaka với tư cách là khách mời đặc biệt của Hội nghị.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra ở Osaka trong các ngày từ 28 đến 29/6, với sự tham dự của các nguyên thủ và lãnh đạo của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, 8 quốc gia khách mời và lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng trên thế giới như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).../.