Sau khi tin vui được thông báo, một người dùng trên mạng xã hội Twitter phát hiện ra sự trùng hợp thú vị rằng bé gái trùng ngày sinh với Hoàng tử Anh William và cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, lãnh đạo thế giới đầu tiên sinh con khi đang tại nhiệm vào năm 1990. Những lý do này càng làm con gái của bà Ardern thêm đặc biệt.

2_65893_ewqy.jpg
Thủ tướng New Zealand hạnh phúc cùng người bạn đời. Ảnh: NZ Herald.

Và để thực hiện tròn vẹn thiên chức thiêng liêng của một người phụ nữ, nữ Thủ tướng trẻ đầy cá tính Jacinda Ardern, đã phải trải qua một hành trình không dễ dàng.

Quyết liệt cho thiên chức thiêng liêng

Trở thành Thủ tướng New Zealand ở tuổi mới chỉ 37 (tháng 10/2017), có lẽ bản thân bà Jacinda Ardern lẫn cử tri New Zealand cũng lường trước được đến một ngày bà sẽ phải làm vợ, làm mẹ và nếu chuyện này xảy ra khi bà đang tại nhiệm, đây sẽ là một “cú sốc” không hề nhẹ với không ít cử tri. Bởi nhìn lại thực tế, không chỉ trên chính trường New Zealand mà cả thế giới, chuyện một nữ chính khách có con nhỏ ngay trong nhiệm kỳ tại chức là rất hiếm, thậm chí còn bị kỳ thị nặng nề. Cách đây gần 30 năm, năm 1990, cố Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto gần như là nữ nguyên thủ đầu tiên mang bầu và sinh con khi đang đương nhiệm.

Có lẽ bởi “sự lạ” hiếm gặp này mà ngay trong thời điểm còn tranh cử cách đây hơn một năm, trong hàng loạt những chất vấn của cử tri với ứng viên của đảng Lao động, đã có câu hỏi về kế hoạch lập gia đình và sinh con của bà Jacinda Ardern, rằng họ có quyền được biết về điều này trước khi họ bỏ phiếu.

Khi đó, bà Ardern cho rằng câu hỏi này là “không thể chấp nhận” được và trong quan điểm của bà, việc mang thai và nuôi con không nên và không thể là điều gây trở ngại cho phụ nữ tại nơi làm việc. Với nữ chính trị gia nổi tiếng cá tính, tự tin và đầy ý thức về cái tôi, về nữ quyền này, chẳng có gì phải e ngại, xấu hổ hay lăn tăn trước việc thực hiện thiên chức thiêng liêng và cao quý nhất của một người phụ nữ là làm mẹ, dù bạn có là một nguyên thủ đi chăng nữa.

Trong quan điểm của bà, việc phản đối một chính khách mang thai và có con khi đang tại nhiệm hoàn toàn là cái nhìn sai lệch, đầy định kiến và là một sự thụt lùi đáng xấu hổ khi thế giới đâu đâu cũng hô hào về cái gọi là bình đẳng giới, về nữ quyền.

Cũng bởi niềm tự hào, sự tự tin này mà tháng 1/2018, chỉ ít tháng sau khi nhậm chức, bà Jacinda Ardern đã không ngần ngại thông báo với cử tri và báo giới việc bà mang thai. “Tôi không phải là người phụ nữ đầu tiên làm nhiều việc một lúc. Trước tôi có những phụ nữ đã làm được rất tốt. Tôi hết sức nghiêm túc về vai trò Thủ tướng và sẽ cùng Phó Thủ tướng trao đổi công việc trong thời gian tôi tạm nghỉ” - bà Jacinda Ardern khẳng định.

Thực tế những tháng ngày bầu bí cũng cho thấy mọi sự chẳng hề dễ dàng với bà Jacinda Ardern khi phải đồng thời thực hiện thiên chức làm mẹ và lãnh đạo đất nước. Cũng như nhiều bà bầu khác, nữ Thủ tướng New Zealand cũng mệt mỏi, ốm nghén. “Tôi đã bị ốm nghén 16 tuần” - bà Jacinda Ardern chia sẻ.

Bên cạnh đó là khối lượng công việc “như núi” cũng khiến bà cảm thấy không ít áp lực. Nhưng lý trí mạnh mẽ đã giúp bà Jacinda Ardern tìm ra lối thoát cho mình. Trước tiên, bà kiếm tìm sự sẻ chia từ người chồng chưa cưới Clarke Gayford. Đôi uyên ương cùng bàn bạc và đi tới quyết định ông Clarke sẽ nghỉ ở nhà để hỗ trợ bà công việc gia đình cũng như nuôi dạy, chăm sóc con sau này.

Bà Jacinda Ardern cũng nhanh chóng “hội ý” với cộng sự thân thiết của mình - Phó Thủ tướng Winston Peters. Theo đó, ông Winston Peters sẽ là Thủ tướng tạm quyền và điều hành công việc trong 6 tuần bà Ardern nghỉ thai sản. Trong thời gian nghỉ thai sản, bà Ardern sẽ ở tại quê nhà Auckland.

Nữ Thủ tướng khẳng định công việc sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều do bà giữ liên lạc thường xuyên với ông Peters và vẫn tham gia các quyết sách lớn. Trước đó, trong thời gian cuối thai kỳ của bà Ardern, ông Peters đã bắt đầu “tập dượt” cho công việc Thủ tướng tạm quyền bằng việc đảm trách một số công việc thường ngày của bà Ardern, trong đó gồm cả các cuộc họp nội các ở thủ đô Wellington.

Bà Jacinda Ardern còn không ngại xin ý kiến “tư vấn” của các chính trị gia mỗi khi họ có cuộc gặp, hội đàm với bà. Đơn cử như lần bà gặp và trao đổi với cựu Tổng thống Mỹ Obama - người bước chân vào Nhà Trắng năm 2009 với hai cô con gái nhỏ - về việc làm thế nào để ông vẫn có thời gian dành cho gia đình nhỏ của mình.

Nặng lòng cùng tổ ấm nhỏ

“Chào mừng con đến với ngôi làng nhỏ của chúng ta, con gái bé nhỏ” - đó là những câu viết đầy âu yếm mà nữ Thủ tướng đã dành cho thiên thần nhỏ vừa chào đời ngày 21/6 tại quê nhà Auckland của bà. Cô công chúa nhỏ là trái ngọt của nữ Thủ tướng cùng người bạn trai đã đồng hành cùng bà, trở thành hậu phương vững chắc nhất của bà suốt hơn 5 năm qua.

Chuyện tình của họ như bao câu chuyện tình khác. Họ “lọt vào mắt xanh” của nhau một cách thật tình cờ từ một ngày của năm 2013 khi ông Clarke Gayford trong một lần đến gặp một nghị sĩ địa phương để đề đạt băn khoăn về một dự luật gây tranh cãi.

Vẻ xinh đẹp, thần thái tự tin cuốn hút của Jacinda Ardern đã khiến “tiếng sét ái tình” như rơi trúng Clarke Gayford, thôi thúc Clarke Gayford tìm mọi cách để được gặp riêng Jacinda Ardern và Clarke Gayford đã toại nguyện. Cuộc hẹn hò đầu tiên giữa họ diễn ra tại một quán cà phê. Cũng từ buổi hẹn hò ấy, họ khám phá ra thêm nhiều điểm chung của nhau. Tình yêu của họ nảy nở từ chính những điểm chung bình dị ấy.

Tất nhiên, để tình yêu tồn tại được đến ngày hôm nay, cả Jacinda Ardern và Clarke Gayford đều đã phải nỗ lực hết mình. Clarke Gayford đã phải gác lại sự nghiệp dẫn chương trình truyền hình, phải nén lại cái tôi sĩ diện đàn ông trước cái bóng quá lớn của người bạn gái là một chính trị gia, giờ còn là một nguyên thủ.

Còn Jacinda Ardern đã luôn phải tự nhắc nhở mình rằng hãy cố gắng để cả núi công việc nghị sự của mình bên ngoài cánh cửa nhà, để có cho mình những giây phút bình yên, nép mình như chú mèo nhỏ trong vòng tay vững chãi, ấm áp của người đàn ông của đời mình.

Việc Jacinda Ardern bất chấp những dị nghị, dòm ngó của dư luận để trở thành nguyên thủ hiếm hoi có con ngay khi đang tại nhiệm cũng có thể coi đó là sự hy sinh của một chính khách lớn dành cho gia đình nhỏ của mình, dù vẫn biết với người phụ nữ, làm mẹ luôn là ân sủng vô cùng thiêng liêng mà tạo hóa đã ban tặng. Còn Clarke Gayford, việc ông thoải mái tuyên bố với báo chí rằng ông sẵn sàng nghỉ việc ở nhà nuôi dạy chăm sóc con cái, bữa ăn gia đình, chấp nhận một người bạn đời quá mức bận rộn và quyền uy đó phải chăng cũng là một sự hy sinh đáng nể?

Nhưng điều đáng trọng là dường như chẳng ai trong số họ xem đó là sự hy sinh. Với họ, chỉ cần làm được điều đó cho nhau, vì nhau, để “đối tác” của mình thấy vui vẻ hơn, thoải mái hơn, đó là niềm hạnh phúc. Như với Clarke Gayford, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là “ở bên cạnh ủng hộ Jacinda, đảm bảo rằng cô ấy không bỏ bữa và luôn ngủ đủ giấc” - ông Clarke chia sẻ. Mỗi ngày ông tranh thủ đến văn phòng thủ tướng để gặp vợ trong khoảng 15 phút, cùng vợ ăn trưa, trò chuyện, nhắc vợ dùng thuốc bổ và tuyệt nhiên - ông Clarke Gayford xem đó là nguyên tắc bất di bất dịch của mình - không bao giờ đưa ra lời khuyên về chính trị cho bà Jacinda.

Có được người bạn đời hiểu, chia sẻ với mình như thế, nên chẳng ngạc nhiên khi nữ Thủ tướng New Zealand nặng lòng đến vậy với tổ ấm nhỏ của mình. Dù giữa họ, sau 5 năm bên nhau chưa có một lễ cưới. Nhưng có hề gì khi giờ đây họ đã có cô con gái nhỏ làm sợi dây liên kết bền chặt./.